|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Quản' Netflix, Spotify, Facebook thế nào?

07:50 | 02/10/2018
Chia sẻ
Sửa đổi quy định hiện hành để buộc các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải tuân thủ những quy định mà giới quản lý tin là cần thiết cho xã hội, đó là điều bình thường.
quan netflix spotify facebook the nao Ai đủ sức ngăn Facebook chiếu trực tiếp Ngoại hạng Anh?
quan netflix spotify facebook the nao

'QUẢN' NETLFIX, SPOTIFY, FACEBOOK THẾ NÀO?

Sửa đổi quy định hiện hành để buộc các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải tuân thủ những quy định mà giới quản lý tin là cần thiết cho xã hội, đó là điều bình thường.

quan netflix spotify facebook the nao
quan netflix spotify facebook the nao

Nguyễn Vạn Phú

Nhà báo

Nguyễn Vạn Phú là nhà báo kinh tế uy tín với hơn 20 năm kinh nghiệm. Ông còn là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách về tiếng Anh và quản trị kinh doanh.

Giới làm chính sách đang đau đầu không biết quản lý như thế nào với các dịch vụ phim ảnh, âm nhạc và đặc biệt là truyền hình xuất phát từ nước ngoài thông qua Internet để cung cấp cho khách hàng Việt Nam. Thật ra không chỉ Việt Nam, các nước khác, kể cả châu Âu cũng đang loay hoay tìm cách quản lý tốt nhất các loại hình dịch vụ xuyên biên giới này.

Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi Facebook tuyên bố đã bỏ ra 264 triệu đô-la mua quyền phát sóng trực tiếp giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong 3 năm tới tại Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) phản ứng đòi cấm, cho rằng nếu không ràng buộc Facebook phải tuân thủ những quy định như dịch nội dung sang tiếng Việt thì sẽ không công bằng với doanh nghiệp trong nước.

Rào cản pháp lý vì lợi ích cộng đồng

Nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng, các dịch vụ xuyên biên giới giúp người Việt Nam tiếp cận những sản phẩm mới nhất, hấp dẫn nhất chẳng thua kém gì người tiêu dùng ở các nước khác. Nhờ Spotify hay Apple Music, họ sẽ nghe được những album nhạc vừa mới phát hành ở Mỹ; nhờ Netflix họ cũng xem được một episode mới nhất của bộ phim truyền hình nhiều tập đang ăn khách ở châu Âu… Nếu Facebook giúp họ xem được trực tiếp các trận bóng hấp dẫn thì còn gì bằng!

Thế nhưng nhìn ở góc độ quản lý, đúng là có nhiều vấn đề cần bàn. Tuy nhiên, trước hết hãy gác chuyện tìm cách thu tiền, thu thuế sang một bên – đó là chuyện của ngành thuế, cứ theo thông lệ các nước họ thu như thế nào, chúng ta cứ theo đó mà làm, như buộc doanh nghiệp thu hộ trước khi chi trả tiền quảng cáo cho Facebook như chúng ta đang làm. Thứ nữa, phải xem các dịch vụ loại này là thành tựu của kỷ nguyên công nghệ ứng dụng vào đời sống, tức năng lực quản lý phải được nâng lên cho kịp chứ không phải cấm đoán vì không quản nổi.

Với dịch vụ truyền hình, phim ảnh, mỗi nước đều có những quy định riêng vì những lý do cụ thể. Chẳng hạn nhiều nước cấm các chương trình “hở hang”, “bạo lực”, “dùng ngôn ngữ thô tục” trên truyền hình trước 9 giờ tối bởi họ muốn bảo vệ trẻ em không bị phơi nhiễm hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi. Một số nước hạn chế các chương trình do nước ngoài sản xuất bằng cách ấn định một tỷ lệ nhất định, chẳng hạn, ít nhất 20% thời lượng phát sóng phải là nội dung sản xuất từ trong nước.

Người làm chính sách hoàn toàn có thể đặt ra những ràng buộc nghiêm ngặt miễn sao ràng buộc đó là cần thiết cho xã hội, cho cộng đồng chứ không phải vì bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

Vì thế nếu sửa đổi quy định hiện hành để buộc các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải tuân thủ những quy định mà giới quản lý tin là cần thiết cho xã hội, đó là điều bình thường. Ví dụ châu Âu có những quy định buộc các dịch vụ streaming như Netflix, Amazon phải tuân thủ liên quan đến nỗ lực bảo vệ trẻ em hay để ngăn ngừa việc kích động hận thù vì lý do sắc tộc, tôn giáo hay giới tính. Mức phạt có thể lên đến 250.000 đôla hay 5% tổng doanh thu cho mỗi vi phạm.

Ở đây sự phản đối của các doanh nghiệp trong nước có dịch vụ tương tự bị ảnh hưởng không nên là điều nhà làm chính sách cần quan tâm. Ở những nước Netflix xuất hiện, các công ty truyền hình cáp đều mất khách nhưng không phải vì thế mà cơ quan quản lý ở các nước này sửa đổi luật lệ để ngăn cản Netflix, giúp doanh nghiệp trong nước họ tồn tại.

Nếu xem cạnh tranh là động lực phát triển, công ty truyền hình nào thích nghi với mô hình kinh doanh mới, nâng cấp dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng đều trụ được. Còn không thích nghi nổi, họ phải chịu sự đào thải khắc nghiệt của thị trường.

Nói cách khác, người làm chính sách hoàn toàn có thể đặt ra những ràng buộc nghiêm ngặt miễn sao ràng buộc đó là cần thiết cho xã hội, cho cộng đồng chứ không phải vì bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Lấy ví dụ hiện nay đã có một số nước hợp thức hóa việc sử dụng cần sa nhưng Việt Nam vẫn cấm. Thế thì chương trình nào cổ súy việc dùng cần sa trong giới trẻ đều phải bị cấm phát tại Việt Nam - đó là điều ai cũng ủng hộ.

Dễ người dễ ta

Khi Netflix mở rộng hoạt động ra các thị trường ở châu Á, họ cho biết chi phí cao nhất là các điều chỉnh để tuân thủ luật lệ địa phương. Chẳng hạn ở Indonesia nhiều nội dung bị cấm vì bạo lực hay sex quá nhiều. Ở Hàn Quốc một số chương trình ăn khách chậm xuất hiện vì phải nộp cho hội đồng đánh giá để xếp loại theo lứa tuổi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh một cách bình đẳng, có thể cân nhắc để nhân dịp này loại bỏ các quy định lỗi thời.

So với các quy định hiện hành đang áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước, có thể bổ sung những quy định như tỷ lệ nội dung phim ảnh, âm nhạc trong nước mà dịch vụ xuyên biên giới từ nước ngoài phải có. Đó là cách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước thiết thực nhất mà lại không mang tính bảo hộ.

Một quy định kho nhạc của Spotify cung ứng cho khách nghe ở Việt Nam phải có ít nhất 20% là nhạc Việt chắc chắn là cú hích quan trọng cho ngành âm nhạc trong nước. Tỷ lệ “nội địa hóa” cũng thường là mục tiêu hướng đến của các dịch vụ xuyên biên giới để thu hút khách hàng nội địa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh một cách bình đẳng, có thể cân nhắc để nhân dịp này loại bỏ các quy định lỗi thời, không thể áp dụng cho dịch vụ xuyên biên giới thì cũng không cần áp dụng cho doanh nghiệp trong nước. Yêu cầu dịch nội dung sang tiếng Việt là một trong những quy định như thế. Hiện nay đã có những ứng dụng tự động tìm phụ đề tiếng Việt để gắn vào phim đang phát - cứ để người dùng chọn lựa tùy theo nhu cầu của họ.

Trở lại chuyện Facebook và giải Ngoại hạng Anh, thay vì đề xuất cấm, VNPayTV tìm cách thỏa thuận hợp tác với Facebook để cùng phát các trận đấu như bên Thái Lan có lẽ là giải pháp hay hơn cả. Còn khi Facebook cho ra đời dịch vụ streaming xuyên biên giới Facebook Watch, lúc đó hãy xem nó như một nơi cung cấp dịch vụ tương tự kiểu Netflix và ứng xử tương ứng.

Xem thêm

Nguyễn Vạn Phú

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.