|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quản lý vận hành nhà chung cư: Tranh nhau vào ban quản trị để trục lợi?

08:05 | 23/04/2019
Chia sẻ
Nhiều thành viên đang sinh sống tại các chung cư ở Hà Nội có xu hướng “chạy” vào ban quản trị (BQT) bởi bên cạnh việc có lương hàng tháng, BQT còn có nhiều cơ hội để “trục lợi” từ các khoản chi phí quản lý chung cư. Thậm chí BQT còn được sử dụng, quản lý số tiền phí bảo trì lên đến hàng chục tỷ đồng.
Quản lý vận hành nhà chung cư: Tranh nhau vào ban quản trị để trục lợi? - Ảnh 1.

"Chạy đua" vào BQT để trục lợi?Ảnh: PV

“Nghề” quản trị chung cư

Đã có thời BQT nhà chung cư được mặc định là nơi sinh hoạt của những người hưu trí, hoặc nếu còn trẻ thì cũng phải rảnh rỗi, chấp nhận hao công, tốn sức cho những công việc chung được gọi vui là “vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng ở thời hiện tại, khi BQT được phép đại diện vận hành số tiền khổng lồ từ quỹ bảo trì, câu chuyện lại trở nên rất khác.

Theo quy định tại Điều 103 Luật Nhà ở 2014, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên, phải thành lập BQT nhà chung cư. Những người trong BQT sẽ đại diện cho cư dân trong việc quản lý, điều hành các hoạt động chung của tòa nhà như thuê mướn dịch vụ bảo vệ, mua sắm, sửa chữa, cho thuê các không gian sinh hoạt chung... Họ có lương, dù khá thấp, được trích từ những khoản đóng góp chung hoặc từ quỹ bảo trì tòa nhà.

Không thể phủ nhận những thành viên BQT của rất nhiều tòa chung cư hoàn thành rất tốt nhiệm vụ khi được cư dân và chính quyền tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp các vụ tranh chấp giữa cư dân với chính BQT đã xảy ra cách làm việc thiếu hiệu quả, thiếu năng lực và minh bạch…. Hình ảnh cư dân treo băng rôn phản đối BQT vì không thực hiện đúng cam kết, không công khai tài chính, mập mờ trong quản lý thu chi đang diễn ra rất phổ biến.

Trưởng BQT một chung cư tại quận Long Biên tiêu cả tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà rồi chuyển đi nơi khác; Chung cư HUD 3 Hà Đông cư dân tố cáo tình trạng thu chi nhập nhèm của BQT nơi đây. Trong tình cảnh tương tự, mới đây nhiều cư dân đang sinh sống tại khu chung cư cao cấp Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã lên tiếng “tố” ban quản trị chung cư không công khai minh bạch về hoạt động, thu chi tài chính và cung cấp dịch vụ tại tòa nhà.

Từ khi được thành lập, BQT cụm nhà chung cư Hapulico đã không tiếp dân, không công khai quỹ bảo trì, các khoản chi tiêu, số liệu minh bạch khiến cư dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Một thời gian dài cư dân tại một khu chung cư ở Văn Phú phải làm đơn tố cáo khắp nơi về thu chi thiếu minh bạch của BQT tại đây. Thậm chí sau khi BQT cũ dừng hoạt động, cư dân tại đây thấy thành viên trong BQT cũ này sang chung cư khác cũng đang vận động dân để vào BQT nơi đó.

Tìm hiểu sâu được biết, hiện nay trên Facebook tồn tại không ít các nhóm, hội kín được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm cư dân chung cư ứng cử vào vị trí BQT tòa nhà. Những người này coi đó là nghề kiếm tiền, thậm chí kiếm nhiều tiền nên đã không ngần ngại dạy nhau cách “làm kinh tế” từ các khoản tiền chung. Có người còn tuyên bố cứ 5 - 7 năm sẽ chuyển chỗ ở một lần, mà lần sau phải đến những khu đông người ở hơn và cao cấp hơn. Sau khi “ăn đủ” ở khu chung cư này sẽ đến khu chung cư khác để gây dựng cơ sở mới...

Không ít trường hợp cư dân “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, khi các thành viên BQT cả mới và cũ sau thời gian đầu ghi điểm bằng sự năng nổ, nhiệt tình, đã quay lưng lại lợi ích chung, lo cho lợi ích riêng nhiều hơn. Trong đó không ít BQT có việc nhập nhèm thu chi các loại quỹ hoặc đơn giản là đứng về phía chủ đầu tư để lấp liếm các sai phạm của đơn vị này, cố tình lờ đi trách nhiệm của mình là đại diện cho toàn bộ dân cư...

Nhiều phần tử xấu cũng vào BQT

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty PMC cho rằng, các quy định pháp luật hiện nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về BQT. Theo quy định, BQT là một tổ chức dân chủ cơ sở, không phải là một tổ chức chuyên môn.  Song, các quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ của đơn vị này thì lại là một tổ chức chuyên môn. Việc các văn bản pháp luật đang quy định lẫn lộn giữa tổ chức đại diện dân chủ của cư dân với một tổ chức chuyên môn đang dẫn đến các quy định, quyền hạn, trách nhiệm của BQT khó có thể thực thi.

Theo ông Huy, nếu là một tổ chức chuyên môn, BQT phải có đầy đủ nghiệp vụ, trình độ, kinh nghiệm quản lý, vận hành nhà chung cư để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, vì không thể đáp ứng cả hai yêu cầu vừa là tổ chức dân chủ cơ sở vừa là một tổ chức chuyên môn nên trong hoạt động của các BQT đã xảy ra các tình huống: Một là, BQT không dám chủ động chi tiêu các quỹ bảo trì và bảo dưỡng theo đúng chuẩn mực. Hoặc mạnh dạn chủ động chi tiêu nhưng đa phần, các BQT cố gắng chi tiêu phần ở những hạng mục tối thiểu chủ yếu thang máy và phòng cháy chữa cháy theo luật định. Còn các hạng mục khác, họ không tuân thủ lịch bảo trì, bảo dưỡng theo đúng quy phạm của nhà sản xuất. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình nhà cao tầng, sau 5-7 năm công trình đi vào khai thác. Hai là, thực trạng quỹ bảo trì bảo dưỡng đang có những khoảng trống và khe hở trong vấn đề về sử dụng dẫn đến số tiền rất dễ bị trục lợi.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thủ đoạn của những kẻ muốn trục lợi là mua căn hộ nhỏ, vận động để được bầu làm trưởng BQT. Sau đó thực hiện hành vi trục lợi. Đặc biệt, có cả trường hợp bán lại căn hộ chung cư, mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí trưởng BQT sau khi đã trục lợi xong.

HoREA cũng cho rằng, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện còn nhiều vướng mắc. Trong đó, về chủ tài khoản của BQT chung cư, tại Khoản (2.c) Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định: “Có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên BQT đứng tên đồng chủ tài khoản”. Thực tế, nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 1 người trong BQT làm chủ tài khoản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam cho rằng, nên có bộ tiêu chí để cử người vào BQT một cách rõ ràng hơn. Ở một số dự án, trưởng ban quản trị lại là người của chủ đầu tư, gây phản cảm. Theo ông, để tránh rủi ro, tài khoản quỹ bảo trì nên đứng tên hai người trong ban quản trị, tránh tình trạng một người tự ký rồi rút tiền ra tiêu không rõ ràng.

Ngọc Mai