Quan chức IMF: Xung đột là yếu tố quan trọng nhất làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Phát biểu trên của bà Nadia Calvino được đưa ra giữa bối cảnh các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang tập trung tại Washington để tham dự Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), tập trung vào các vấn đề “nóng” hiện nay như xung đột, lạm phát tăng cao và biến đổi khí hậu.
Bà Calvino, người đang kiêm chức Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, cho biết IMF đã có một "lời kêu gọi rất quyết liệt" trong suốt tuần qua để Nga chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Bà nói trong một cuộc họp báo: “Xung đột là yếu tố quan trọng nhất làm chậm lại đà tăng trưởng và tạo ra lạm phát, biến động thị trường, giá năng lượng nhaỷ vọt và an ninh lương thực không đảm bảo”. Bà nhấn mạnh rằng, hòa bình là một công cụ chính sách kinh tế quan trọng.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của IMF, với sự tham gia của Nga, đã không đạt được thỏa thuận về một thông cáo chung do sự phản đối của Moskva.
Thay vào đó, bà Calvinođã đưa ra một tuyên bố của chủ tọa phiên họp, công nhận rằng đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đang "đè nặng lên hoạt động kinh tế" với tác động đáng kể đến sinh kế của người dân toàn cầu. Tuyên bố cũng cho biết, các nước tham dự hoan nghênh các khoản đóng góp tự nguyện để tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Ngày 14/10, G20 đã khép lại các cuộc đàm phán tại Washington mà không đưa ra thông cáo chung, tương tự hai cuộc họp gần đây nhất, khi nhóm này tiếp tục chia rẽ về vấn đề xung đột Nga-Ukraine và khi mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia (A-rập Xê-út) ngày càng căng thẳng, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu quyết định cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá “vàng đen”.
IMF cho biết, hơn 1/3 số nền kinh tế trên toàn cầu đang có xu hướng suy giảm trong năm nay hoặc năm tới, cảnh báo rằng ba nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục đình trệ. Định chế tài chính này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 2,7% vào năm 2023 và nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cảnh báo rằng nhiều người sẽ cảm nhận năm 2023 giống như một cuộc suy thoái.
Trong các phiên họp thuộc Hội nghị thường niên của IMF và WB trong tuần này, các bên cho vay nhấn mạnh rằng ưu tiên của các ngân hàng trung ương lớn là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.