Quá lãng phí khi thẻ ATM chỉ dùng để... rút tiền!
Theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, có tới gần 87% các giao dịch qua ATM là giao dịch rút tiền mặt. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Quá lãng phí
Theo số liệu của Vụ Thanh Toán (NHNN), tính đến hết quý II/2017, Việt Nam có khoảng 121 triệu thẻ ngân hàng đã phát hành. Với dân số khoảng 95 triệu dân, tính trung bình mỗi người dân sở hữu 1,3 chiếc thẻ.
Có một nghịch lý, thẻ tín dụng mở nhiều nhưng thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn ở con số khiêm tốn. Ảnh: P.V |
“Tôi thấy lãng phí! Hiện các ngân hàng đang chạy đua mở thẻ theo số lượng chứ chất lượng chẳng bao nhiêu” - TS Luật sư Bùi Quang Tín - Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cho biết.
Chị Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) móc trong ví ra 5 chiếc thẻ tín dụng của 5 ngân hàng khác nhau. Mặc dù sở hữu nhiều thẻ ngân hàng, nhưng thực tế chị Quỳnh chỉ chủ yếu sử dụng 2 chiếc thẻ ghi nợ nội địa và thẻ Visa có tính năng cho vay thấu chi khi shopping. Lý do giữ cả 5 chiếc thẻ trong ví, theo chị Quỳnh là để trải nghiệm dịch vụ của các ngân hàng và tận dụng khuyến mãi, giảm giá của từng loại thẻ khác nhau khi mua sắm.
Anh Thiên (Ba Đình, Hà Nội) than phiền mặc dù có đến 3 thẻ tín dụng nhưng ngoài việc thanh toán tiền điện và Internet hằng tháng thì thẻ của anh chỉ đợi đến khi có lương là ra ATM rút tiền. Theo anh Thiên, hiện dùng thẻ chưa được thuận tiện bởi các cửa hàng nhỏ thường không có máy POS, có lần muốn đi uống bia nhưng cửa hàng không có máy cà thẻ nên anh Thiên phải đi khá xa tìm cây ATM rút tiền mặt ra thanh toán.
Mở thẻ vô tội vạ vì... ngân hàng
Một trong những nguyên nhân khiến việc mở thẻ tín dụng “vô tội vạ” là do các nhân viên ngân hàng chạy đua cho đủ chỉ tiêu KPI nên tìm mọi cách lôi kéo khách mở thẻ. Trao đổi với PV báo Lao Động, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Tôi có 5 thẻ tín dụng nhưng chỉ dùng 1-2 cái. Nguyên nhân có nhiều chiếc thẻ vì sinh viên nhờ thầy mở thẻ giúp để em đủ chỉ tiêu”.
“Áp lực hoàn thành chỉ tiêu phát hành thẻ đè nặng nên tôi buộc phải huy động toàn bộ anh em, họ hàng nhờ mở thẻ giúp. Sau khi nhận được thẻ cứng, tôi liền đem cắt góc để huỷ luôn, vì thực tế họ hàng không có nhu cầu dùng thẻ” - nhân viên một NHTM chia sẻ.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Việc ồ ạt mở nhiều thẻ ngân hàng nhưng không dùng đến là một sự lãng phí nguồn lực, tiền bạc. Nếu chỉ nghe về con số thẻ mới mở thì ấn tượng nhưng thực tế có bao nhiêu thẻ trong số đó được sử dụng thường xuyên mới là điều đáng nói”.
87% giao dịch qua ATM là rút tiền mặt
Có một nghịch lý, thẻ tín dụng mở nhiều nhưng thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ở con số khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Việt Nam. Theo Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, có tới gần 87% các giao dịch qua ATM là giao dịch rút tiền mặt. Doanh số rút tiền mặt/ATM/năm vẫn tăng qua các năm (từ 60 tỉ đồng năm 2012 lên 106 tỉ đồng năm 2016), điều đó cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn rất phổ biến. Theo số liệu NHNN công bố, tính đến tháng 7.2017, tỉ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,35%. Chính phủ kỳ vọng đến năm 2020 thì con số này sẽ chỉ còn dưới 10%.
Trả lời PV báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, Việt Nam là quốc gia có số lượng thanh toán không dùng tiền mặt thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Vì sao người Việt vẫn chuộng dùng tiền mặt hơn là thanh toán qua thẻ? Theo một chuyên gia, văn hoá dùng tiền mặt của người dân quá ăn sâu nên từng bước để thay đổi văn hoá dùng tiền mặt cần có thời gian. Đối với một số quan chức tham nhũng, việc nhận hối lộ bằng tiền mặt sẽ an toàn hơn là việc nhận chuyển khoản qua ngân hàng để lại dấu vết. Đối với một số đối tượng như buôn bán ngầm, xã hội đen, ma túy, mại dâm… thì sử dụng tiền mặt giúp hoạt động rửa tiền, trốn thuế một cách dễ dàng hơn.
TS-LS Bùi Quang Tín chỉ thêm 3 lý do khiến người dân còn “e dè” trong việc sử dụng thẻ tín dụng là bởi thứ nhất, hiện nay sử dụng thẻ thanh toán giao dịch đều bị thu phí. Mặc dù phí cà thẻ đáng lẽ phải do bên đại lý trả nhưng thực tế khách hàng chính là người bị ép trả thêm từ 1,5-3% nếu muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Để tránh việc bị thanh tra, các cửa hàng bán lẻ đẩy phí quẹt thẻ vào giá bán nên các NH rất khó để kiểm tra giám sát.
Thứ hai, việc rút tiền ATM không phải lúc nào cũng thuận lợi. Việc tìm cây ATM rút tiền tại các vùng nông thôn là khá khó khăn, các cửa hàng bán lẻ không có máy cà thẻ (POS). Trong khi tại các thành phố lớn, việc ATM báo lỗi hay hết tiền xảy ra không ít. Điều này có cảm giác khách hàng có tiền mà không sử dụng được.
Thứ ba, sau hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản, không ít khách hàng có tâm lý lo lắng về tính bảo mật và tính an toàn. Hiện nay nhiều ngân hàng có công nghệ còn khá lạc hậu và thô sơ. Mặc dù các NH đã cảnh báo khách hàng không truy cập vào trang web giả tránh bị hacker tấn công tài khoản nhưng không ít khách hàng truy cập các trang web lạ và bị kẻ xấu đánh cắp thông tin thẻ tín dụng.
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Từ năm 2016 đến năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, theo các chuyên gia, cần khuyến khích mạnh mẽ hơn sự phát triển của các sản phẩm ví điện tử, dùng QR code thanh toán, thủ tục thanh toán cần cải thiện nhiều về chính sách. Các ngân hàng nên bắt tay với các công ty Fintech để hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.