|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ đông ngoại CBA lãi bao nhiêu trong 10 năm đầu tư vào VIB?

14:50 | 27/03/2025
Chia sẻ
CBA là cổ đông chiến lược của VIB từ năm 2010 với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 10% và tiếp tục tăng lên 20% vào một năm sau đó. Cuối năm ngoái, cổ đông ngoại đã bắt đầu động thái thoái vốn tại ngân hàng này.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, chia sẻ với cổ đông về khoản đầu tư của cổ đông ngoại CBA và kế hoạch về room ngoại tại ngân hàng trong thời gian tới. 

Cuối năm ngoái, cổ đông chiến lược CBA (Commonwealth Bank of Australia – ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại Australia) đã quyết định thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB).

CBA là cổ đông chiến lược của ngân hàng từ năm 2010 với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 10% và tiếp tục tăng lên 20% vào một năm sau đó. Thống kê giao dịch bán ra cổ phiếu VIB của CBA trong giai đoạn tháng 9/2024 - tháng 3/2025, ước tính tổng số tiền cổ đông này đã thu về khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra vào sáng ngày 27/3 tại TP HCM, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, đã chia sẻ với cổ đông rằng “CBA là một cổ đông chiến lược rất tuyệt vời. Họ đi với chúng ta hơn 10 năm và đã đầu tư vào 175 triệu USD ngay giai đoạn nền kinh tế tương đối khó khăn. CBA đầu tư rất đúng thời điểm và đã có những tác động rất lớn đối với VIB”.

Theo thông tin từ Chủ tịch VIB, cách đây 5 năm, trước khi xảy ra dịch COVID-19, CBA đã thay đổi chiến lược trên toàn cầu, đóng hầu hết hoạt động đầu tư ở các quốc gia, ngoại trừ Australia. VIB gần như là khoản đầu tư mà họ đóng sau cùng, thậm chí sau một số hoạt động kinh doanh khác ở nước sở tại.  

Sau khi có quyết định đóng khoản đầu tư tại VIB cách đây 5-6 năm, kể từ đó CBA không đóng góp thêm cho ngân hàng mà ủy quyền lại tất cả các công việc cho hội đồng quản trị và ban điều hành với sự tin tưởng tuyệt đối.

Ông Vỹ đánh giá “khoản đầu tư của CBA tại VIB là một khoản đầu tư rất hiệu quả”. Với số vốn đầu tư ban đầu là 175 triệu USD, số tiền mà cổ đông ngoại này đã thu về (bao gồm cả cổ tức) khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng, tương đương 490 triệu USD.

Sau khi CBA rút lui, VIB để cho đối tác được tự do bán cổ phiếu ra thị trường với tỷ lệ 5% và bán cho các cổ đông nội khoảng 15%, tạo ra room ngoại là 25%.

“Đây là một tỷ lệ rất lớn và sẽ phục vụ cho nhu cầu huy động vốn của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, chỉ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) của VIB đang ở mức tốt. Với tốc độ tăng trưởng 15-25%, VIB chưa cần nguồn vốn mới.

Tuy nhiên, hội đồng quản trị thấy rằng cần thiết phải tăng cường mạnh mẽ hơn vốn chủ sở hữu để bảo đảm từ năm 2025 trở đi có thể phát triển nhanh và vững chắc.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nới room, không kiểm soát room tín dụng thì VIB có thể tăng cường năng lực, nắm bắt cơ hội, tạo ra đột phá mới”, ông Vỹ chia sẻ.

Hội đồng quản trị VIB đang trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn để tìm một hoặc một số đối tác thích hợp, bảo đảm được định giá tốt, cộng sinh được sức mạnh của đối tác, từ tài chính đến khách hàng, chiến lược phát triển, công nghệ…

Khi có thông tin rõ ràng, hội đồng quản trị sẽ xin ý kiến của cổ đông hoặc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để thông qua nội dung này.

 

Nguyên Ngọc