|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Pyn Elite Fund có hiệu suất tháng 2 thấp nhất kể từ năm 2011, tiếp tục tăng tỉ trọng CTG

13:17 | 04/03/2020
Chia sẻ
Pyn Elite Fund cho rằng, chứng khoán Việt Nam đã có mức giá hấp dẫn ngay trước cả khi sụt giảm bởi dịch COVID-19.

Hiệu suất tháng 2 thấp nhất 11 năm

Sau tháng đầu tiên của năm 2020 không mấy khả quan với tỉ suất lợi nhuận đầu tư âm 0,9%, Pyn Elite Fund tiếp tục chứng kiến kết quả đầu tư đi xuống trong tháng 2 với hiệu suất đầu tư âm 2,79%. Đây cũng là tháng 2 tồi tệ nhất của quĩ đầu tư này kể từ năm 2011.

Sau tuyên bố tất tay vào chứng khoán Việt Nam, Pyn Elite Fund chứng kiến hiệu suất tháng 2 thấp nhất kể từ năm 2011 - Ảnh 1.

Pyn Elite Fund công bố hiệu suất đầu tư tháng 2 thấp nhất kể từ năm 2011. Nguồn: Pyn Elite Fund.

Trong lịch sử, tháng 2 thường là khoảng thời gian ghi nhận hiệu quả cao nhất của quĩ đầu tư đến từ Phần Lan, điển hình là tháng 2/2013 lợi suất đạt tới 13,9%. Trong năm 2019 đầy biến động, Pyn Elite Fund cũng đạt được tỉ suất sinh lời 4,18% trong tháng 2, cao nhất cả năm.

Lí giải cho việc kết quả đầu tư bất ngờ đi xuống trong tháng 2 năm nay, Pyn Elite Fund cho rằng tháng 2/2020 là một thời kì hỗn loạn đối với các TTCK toàn cầu khi nhiều trường hợp người nhiễm virus corona được báo cáo ở Hàn Quốc, Ý và các khu vực khác.

Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung, VN-Index giảm 5,8% do các cổ phiếu VIC (giảm 8,2%), SAB (22,2%) và BID (11,7%). Trong bối cảnh thị trường lao dốc, NAV của PYN cũng giảm 2,8% do ảnh hưởng từ CII (giảm 12,2%), VEA (9,1% ) và MWG (3,9%).

Tính đến hết tháng 2/2019, tài sản dưới quyền quản lí của Pyn Elite Fund ở mức 395 triệu EUR, giảm 4 triệu EUR so với tháng trước. Sau tuyên bố "Tất tay" vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ trọng phân bổ của quĩ này không có nhiều thay đổi khi tiền mặt vẫn ở mức 7% và giữ nguyên tỉ lệ phân bổ 93% vào cổ phiếu.

Tuy nhiên, danh mục cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của Pyn Elite Fund có sự thay đổi đáng kể, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Sau tuyên bố tất tay vào chứng khoán Việt Nam, Pyn Elite Fund chứng kiến hiệu suất tháng 2 thấp nhất kể từ năm 2011 - Ảnh 2.

Top12 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite Fund tính đến hết tháng 2/2020. Nguồn: Pyn Elite Fund.

Tại thời điểm cuối tháng 1, cổ phiếu FCN của Fecon đứng cuối danh sách 12 khoản đầu tư lớn nhất với tỉ trọng 1,82%, khi đó ACV vẫn có tên trong danh sách này. Đến cuối tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ACV đã lọt top12 với tỉ trọng 2,3% giá trị danh mục, đồng thời đẩy FCN ra khỏi danh sách.

Trong tháng 2, ACV cũng như các cổ phiếu ngành hàng không đã phải hứng chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Theo đó, cổ phiếu này chứng kiến mức giảm 20,6% từ 64.600 đồng/cp về 51.300 đồng/cp. Nếu tính cả hai phiên lao dốc đầu năm Canh Tý, mức giảm lên tới 25,6%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu CTG của Vietinbank được giải ngân mạnh trong tháng 2, khi tỉ trọng tăng từ 8,94% lên 9,57%. Với tổng tài sản quản lí 395 triệu EUR, Pyn Elite Fund đang nắm giữ 37,8 triệu EUR cổ phiếu CTG, tương đương giá trị gần 900 tỉ đồng.

Nhóm ngân hàng cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của Pyn, dẫn đầu là cổ phiếu TPB của TPBank với tỉ trọng 10,49%, tăng 0,42 điểm % so với tháng trước. Cổ phiếu ngân hàng còn lại trong top12 là HDB của HDBank với tỉ trọng 9,24%.

Ngược lại, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị giảm mạnh tỉ trọng từ 9,34% xuống còn 8,7%. Tỉ trọng cổ phiếu MWG của Thế giới Di động cũng tiếp tục giảm từ 8,45% về còn 8,26%.

Ngoài ra, danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund còn có một số mã quen thuộc khác như CII, KDH, CEO, NLG, PAN và VND, với tỉ trọng đều giảm so với tháng trước.

Tuyên bố "tất tay" vào chứng khoán Việt Nam, Pyn Elite Fund kì vọng điều gì?

Trong báo cáo mới nhất về TTCK Việt Nam, Pyn tuyên bố "tất tay" khi cho rằng chứng khoán Việt Nam đã có mức giá hấp dẫn ngay trước cả khi sụt giảm bởi dịch COVID-19.

Theo Pyn, giữa vô vàn tin xấu, Việt Nam vẫn thành công trong việc ngăn chặn dịch virus. Cho đến nay, chỉ có 16 người bị nhiễm bệnh và tất cả đã hồi phục, điều rất tích cực cho một quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus. Theo đó, ngày 27/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, CDC đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia dễ bị lây nhiễm coronavirus cộng đồng.

Sau khi bị đóng cửa vào cuối tháng 1, các cửa khẩu biên giới lớn đã được mở cửa trở lại kể từ ngày 20/2 với sự theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt của những người đi qua biên giới.

Các hãng hàng không, các doanh nghiệp liên quan đến du lịch và các doanh nghiệp liên quan đến dầu mỏ đã trải qua một tháng rất khó khăn, dù vậy xuất khẩu nông sản vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực.

Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm từ mố 50,6 xuống mốc 49 trong tháng 2 do đơn đặt hàng mới giảm và nguồn cung hàng hóa Trung Quốc không đủ đẩy giá đầu vào tăng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn đang mong đợi một sự cải thiện về sản lượng trong 12 tháng tới.

Sơn Tùng