|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVTrans và Hải An mở rộng nhanh đội tàu, hưởng lợi từ giá cước phục hồi

08:00 | 31/12/2023
Chia sẻ
Đơn vị phân tích kỳ vọng các công ty vận tải biển hàng đầu Việt Nam sẽ hưởng lợi khi giá cước hồi phục và câu chuyện mở rộng nhanh đội tàu, nhưng cũng chịu áp lực lớn về chi phí khi quy mô nợ vay tăng tương ứng.

Thị trường vận tải biển Việt Nam đang ấm dần lên nhờ hoạt động xuất nhập khẩu đang trên đà hồi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP duy trì đà tăng trong 7 tháng qua với mức tăng lên 5,8% trong tháng 11, dự kiến tiếp tục xu hướng tích cực khi doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng giai đoạn cuối năm. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới trong quý IV dự kiến tăng 14% so với quý liền trước. Việc kéo dài kích thích tài khóa đến hết quý II/2024 có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước trong những tháng tới. 

Vận tải biển hồi phục

Giá cước vận tải gần đây đã tăng lên sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở khu vực biển Đỏ, làm tăng thêm rủi ro đối với các chuỗi cung ứng hàng hóa qua kênh đào Suez - nơi có khoảng 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu.   

Chứng khoán VNDirect cho rằng căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể làm gián đoạn các tuyến hàng hải quan trọng, ảnh hưởng đến sự cân bằng của thị trường vận tải dầu khí, vốn rất dễ bị tổn thương kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine. 

 Doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh mở rộng đội tàu. Ảnh: HAH.

Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá sự việc tạo ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu cuối năm. Việc vận chuyển hàng hóa sẽ còn gặp nhiều trở ngại, do đó giá dầu và giá cước được dự báo tăng trong ngắn hạn, tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển.

Doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải biển ở Việt Nam có thể kể đến Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans - mã: PVT), chuyên cung cấp các dịch vụ vận tải xăng dầu, đặc biệt là dầu thô và dịch vụ hàng hải (FSO/FPSO và O&M).

Tổng công ty đang giữ vững vị thế là nhà vận tải và cung cấp dịch vụ hàng hải lớn nhất Việt Nam, chiếm 100% thị phần vận chuyển dầu thô và LPG trong nước. Quy mô đội tàu gồm 51 chiếc với tổng công suất khoảng 1,4 triệu DWT, dần trở thành thương hiệu vận tải toàn cầu.  

Công ty Cổ phần Vận tải & Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) là một trong số ít công ty logistics tại Việt Nam có cả năng lực khai thác cảng và vận chuyển, do đó có thể linh hoạt hơn trong việc phục vụ khách hàng. 

Doanh nghiệp có đội tàu container 11 chiếc với sức chở gần 16.000 TEU, phục vụ chủ yếu các tuyến vận tải nội địa và một số tuyến nội Á như Hải Phòng - Khâm Châu hay Hải Phòng - Quảng Châu. Công ty còn vận hành cảng với sản lượng thông qua trung bình 360.000 TEU/năm. 

Hay Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) cũng sở hữu cả năng lực khai thác cảng và vận tải logistics. Thị trường hoạt động chính tại khu vực miền Bắc với các tuyến phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa. 

Mở rộng nhanh đội tàu

Theo báo cáo của Clarkson Research, thị trường vận tải biển sẽ tiếp tục ổn định ở cả lĩnh vực vận tải dầu thô và nhiên liệu, chủ yếu do dòng chảy thương mại năng lượng Đại Tây Dương - Châu Á và sự chuyển dịch dòng chảy năng lượng liên quan đến Nga. 

Clarkson Research kỳ vọng cán cân cung/cầu hiện này nhìn chung sẽ giúp giá cước thuê tàu chở dầu, hóa chất tiếp tục neo ở mức cao, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế.

PVTrans được kỳ vọng hưởng lợi nhờ đã đẩy mạnh trẻ hóa đội tàu chở dầu kể từ năm 2021 với việc giải ngân 6.700 tỷ đồng đầu tư 18 tàu (và thêm 9 tàu khác theo hình thức thuê mua). VNDirect đánh giá việc thuê mua tàu là phương pháp thích hợp để mở rộng nhanh đội tàu và giảm gánh nặng tài chính.

Tổng công ty vận tải này đã nâng quy mô từ 31 chiếc cuối năm 2020 lên 51 tàu vào thời điểm hiện nay, tương đương tăng tổng công suất thêm 65% lên 1,4 triệu DWT (trọng tải toàn phần).

"Do giá cước thuê tàu toàn cầu vẫn đang neo ở mức cao, PVTrans sẽ tiếp tục hưởng lợi khi gia hạn hợp đồng vận tải cho đội tàu trong thời gian tới, củng cố triển vọng tích cực của công ty trong năm 2024", VNDirect dự báo.

 PVTrans đã đầu tư mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu trong năm 2023. Ảnh: PVT.

Tuy nhiên, do mở rộng nhanh đội tàu, tổng dư nợ của doanh nghiệp đã tăng mạnh 46% so với đầu năm lên 5.380 tỷ đồng vào cuối quý III, gây áp lực lên lợi nhuận do chi phí vay USD vẫn ở mức cao.

Đơn vị phân tích kỳ vọng áp lực này sẽ được loại bỏ từ năm 2025 nhờ vào câu chuyện tích lũy số dư tiền mặt lớn hơn, tốc độ mở rộng đội tàu chậm lại trong giai đoạn 2024-2026 và lãi suất USD có thể giảm dần từ giữa năm 2024.   

Vận tải Hải An đã hạ thủy tàu container HCY-265 tại nhà máy đóng tàu Huanghai vào ngày 23/7 và vẫn tạm thời neo đậu ở nước ngoài. Công ty vào đầu tháng 12 vay Vietcombank gần 334 tỷ đồng để tài trợ cho dự án đóng tàu container này và kỳ vọng đưa tàu vào hoạt động từ quý I/2024 với tên thương mại Haian Alfa.

Công ty còn sửa đổi kế hoạch năm nay nhằm phát hành trái phiếu chuyển đổi 500 tỷ đồng, huy động một phần vốn cho hai tàu mới HCY-266 và HCY-268.

Hải An dự kiến mua lại 51,5% cổ phần CTCP Dịch vụ Cảng Lưu Nguyễn Cái Mép với giá trị hơn 124 tỷ đồng, để đưa nâng hệ thống lên 7 công ty con. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng dịch vụ logistics và cảng tại miền Nam của doanh nghiệp. 

VNDirect kỳ vọng ngành vận tải biển sẽ sớm phục hồi và công ty nhóm đầu về vận tải biển Hải An sẽ được hưởng lợi sau khi vượt qua nhiều khó khăn trong nửa đầu năm. Điều này đặc biệt khả quan khi công ty không ngừng mở rộng hệ thống vận tải. 

Tổng nợ của Hải An có thể tăng mạnh lên đến 2.000 tỷ đồng vào cuối năm do đẩy mạnh đầu tư, tương ứng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 67%. Chi phí lãi vay theo đó sẽ tăng mạnh nhưng sẽ được bù đắp bởi tiềm năng tăng trưởng doanh thu.

Huy Lê