|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVTrans ước lãi năm 2023 tương đương năm ngoái

09:14 | 29/12/2023
Chia sẻ
PVTrans ước tính đều vượt xa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023.

Tại Hội nghị Tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, lãnh đạo Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) cho biết, từ đầu năm 2023, thị trường vận tải biển biến động liên tục, ghi nhận sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc vận tải.

Trong nước, nền kinh tế từng bước phục hồi, kéo theo sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của PVTrans. 

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2023, PVTrans ước đạt doanh thu 9.600 tỷ đồng, tăng 6% so với năm ngoái và tương đương 141% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.460 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.172 tỷ đồng, tăng nhẹ 16 tỷ so với năm ngoái và tương đương 218% kế hoạch năm.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 486 tỷ đồng, tương đương 164% kế hoạch năm; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/ Vốn điều lệ đạt 45%.

Tính riêng quý IV, PVTrans ước đạt 2.891 tỷ đồng doanh thu và 214 tỷ lãi sau thuế; lần lượt tăng 18,5% về doanh thu và giảm 22% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong năm, PVTrans đã đầu tư mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu, nâng tổng số tàu trong đội tàu lên 51 chiếc với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT. Hiện nay, PVTrans vẫn giữ vững vị thế là nhà vận tải và cung cấp dịch vụ hàng hải lớn nhất Việt Nam, chiếm 100% thị phần vận chuyển dầu thô và LPG trong nước.

 Ảnh: PVTrans.

Triển vọng thị trường vận tải dầu khí duy trì vững chắc

Trong báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán VNDirect dự báo điều kiện thị trường đối với hầu hết các loại hình vận tải dầu khí vẫn duy trì vững chắc trong một vài năm tới.

Đối với thị trường vận tải dầu thô và nhiên liệu, theo Clarkson Research, các xu hướng hỗ trợ nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục ổn định ở cả lĩnh vực vận tải dầu thô và nhiên liệu, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dòng chảy thương mại năng lượng Đại Tây Dương - châu Á và tác động (so với cùng kỳ) của sự chuyển dịch dòng chảy năng lượng liên quan đến Nga.

Ngược lại, tăng trưởng đội tàu dường như rất hạn chế do đầu tư đã sụt giảm mạnh trong vài năm qua. Đối với thị trường tàu chở hóa chất, Clarkson Research kỳ vọng triển vọng duy trì tích cực do cân bằng cung/cầu được cải thiện, được thúc đẩy bởi nhu cầu hóa chất gia tăng từ châu Á trong bối cảnh nguồn cung tàu tăng trưởng hạn chế.

Đơn vị phân tích này đánh giá cán cân cung/cầu hiện nay nhìn chung sẽ giúp giá cước thuê tàu chở dầu, hóa chất tiếp tục neo ở mức cao, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế như PVTrans.

Gần đây, giá cước vận tải đã tăng lên với các khoản phụ phí rủi ro phát sinh sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.

VNDirect cho rằng căng thẳng khu vực leo thang (đơn cử như tại khu vực Biển Đỏ) là một rủi ro tiềm năng khác đối với thị trường vận tải dầu khí toàn cầu vì nó có thể đột ngột làm gián đoạn các tuyến hàng hải quan trọng, ảnh hưởng đến sự cân bằng vốn đã rất mong manh của thị trường vận tải dầu khí kể từ khi khủng hoảng Ukraine xảy ra.

Do giá cước thuê tàu toàn cầu vẫn đang neo ở mức cao, PVTrans được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi khi gia hạn hợp đồng vận tải cho đội tàu của mình trong thời gian tới.

Hoàng Kiều

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.