PVN gặp khó về việc áp dụng các luật
Luật Đất đai có kẽ hở, nhóm lợi ích thâu tóm đất đai |
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Bộ Công Thương |
Tại buổi Tọa đàm “Ngành Dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, trong giai đoạn trước năm 2015, Tập đoàn đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, có lúc xuống dưới 30 USD/thùng, chỉ bằng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010 - 2015, nộp ngân sách Nhà nước hằng năm chiếm tỷ trọng 9 - 11%, đóng góp cho GDP cả nước trung bình 10 - 13%.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra và thảo luận một loạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà PVN đã và đang phải đối diện như việc thực hiện Luật Dầu khí gặp nhiều vướng mắc, công tác đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn, về bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc tích hợp, áp dụng giữa các Luật (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu…) đang khá phức tạp khiến PVN khó có thể triển khai được công việc liên quan.
Theo đưa tin từ Bnews/TTXVN, tại tọa đàm Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho hay, nếu tuân thủ các quy trình của Luật đầu tư công hiện nay một nhiệm kỳ nữa cũng sẽ không đủ vốn cho tìm kiếm, thăm dò, tăng trữ lượng dầu khí.
Đối với Luật đấu thầu, Tổng Giám đốc PVE Đỗ Văn Thanh nhận định, luật này đang tạo thuận lợi cho các nhà thầu dầu khí nước ngoài vào Việt Nam nhưng lại tước đi cơ hội việc làm của lao động trong nước.
Theo ông Thanh, do Luật Đấu thầu năm 2013 không quy định rõ ràng về tỷ lệ nội địa trong đấu thầu quốc tế và cũng không có văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể để thực hiện nên không có tính pháp lý yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện.
Ngoài ra, việc áp dụng Luật dầu khí và Luật đấu thầu chưa rõ ràng, tách bạch, nên một số chủ đầu tư trong nước muốn áp dụng Luật Đấu thầu để đấu thầu quốc tế cho các dự án phát triển mỏ sắp tới. Việc này vô hình chung đã “mở toang” thị trường cho nhà thầu nước ngoài và đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của người Việt Nam mất đi, đại diện Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) trình bày.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất cho rằng cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản pháp quy dưới luật cho phù hợp với bối cảnh dầu khí hiện nay, đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư, đồng thời kiến nghị cần có một định chế phù hợp để điều tiết chuỗi giá trị của ngành dầu khí.