|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PV Power nhảy vào mảng trạm sạc điện, đối tác là ai?

10:28 | 15/08/2024
Chia sẻ
Trước khi PV Power gia nhập "sân chơi" trạm sạc điện, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam chủ yếu do VinFast phát triển.

Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power - Mã: POW), công ty đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.

Theo đó, PV Power sẽ có trách nhiệm tìm kiếm vị trí đặt trạm, cung cấp hạ tầng kỹ thuật kèm theo và một số chi phí khác. Hiện tại, công ty đã xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án hơn 1,8 tỷ đồng.

 Hình ảnh tại trạm sạc. (Ảnh: PV Power).

Doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…

Tổng công ty cho biết thông qua việc xây dựng trạm sạc thí điểm, đơn vị sẽ có cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.

PV Power hiện là một trong những tổng công ty phát điện hàng đầu tại Việt Nam với đa dạng các nguồn như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và đang phát triển thêm điện khí LNG. Công ty còn triển khai các dự án năng lượng tái tạo.  

Đây là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu đến gần 80% vốn điều lệ. Vốn hóa doanh nghiệp đạt hơn 31.000 tỷ đồng và là công ty ngành điện được định giá cao nhất trên sàn chứng khoán. 

Về đối tác nước ngoài, EN Technologies được thành lập vào năm 2023 với sự góp mặt của nhiều cổ đông có tên tuổi ở Hàn Quốc như Samsung, LG, Korea Development Bank.

Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng, cung cấp nguồn, thiết bị đóng cắt, hạ tầng trạm sạc cho xe điện. EN Technologies là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất thành công bộ nguồn plasma, trước đó lĩnh vực này được dẫn đầu bởi doanh nghiệp đến từ Mỹ và Đức.

Trong những năm gần đây, EN Technologies còn mở rộng sang các mảng lưu trữ năng lượng (ESS) và sạc xe điện.

Trước khi PV Power gia nhập vào “sân chơi” này, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam chủ yếu do VinFast phát triển. Số liệu công bố hồi tháng 5 năm ngoái của hãng xe điện Việt cho thấy công ty đã phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng tại 80 thành phố trên cả nước.

Trong năm nay và năm sau, công ty của tỷ phú Vượng dự kiến đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Trước đó VinFast đặt kế hoạch có 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc cho xe máy, ô tô điện trên toàn quốc.

Không chỉ tự xây dựng trạm sạc, từ năm 2018, VinFast cũng bắt tay với “ông lớn” xăng dầu là PVOIL với mục tiêu thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và cho thuê pin xe điện trên toàn quốc. 

Tại cuộc họp cổ đông trong tháng 4, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV OIL, cập nhật sau hai năm hợp tác cùng VinFast, doanh nghiệp có 322 cây xăng có tích hợp trạm sạc với gần 1.800 cổng sạc. Trong tháng 3, tại Hội nghị “Triển vọng đầu tư năm 2024” do Bắc Giang tổ chức, ông Dương cho biết lợi nhuận từ các trạm sạc pin điện đã chiếm 25% lợi nhuận bán dầu của đơn vị.

Không nằm ngoài cuộc đua trạm sạc, từ năm 2022, hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex cũng đã bắt đầu kinh doanh trạm sạc tại các trạm xăng. Theo kế hoạch được công bố, trong giai đoạn 2022 - 2023, hơn 500 trạm sạc xe điện VinFast được lắp đặt trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex.

Lâm Anh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.