|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PV Power có thể mất hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu do nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 chậm tiến độ

14:58 | 26/02/2024
Chia sẻ
PV Power cho biết phía Tín Nghĩa - đơn vị được giao quản lý Khu công nghiệp Ông Kèo đang cản trở thi công hạng mục kênh xả nước làm mát tại Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, dẫn đến việc dự án tỷ USD này có nguy cơ không hoàn thành tiến độ, gây tổn thất cả nghìn tỷ đồng doanh thu của doanh nghiệp.

 Công nhân lao động trên công trường dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4. (Ảnh: PV Power).

Nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 đang là dự án trọng điểm của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW), được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn. 

Theo ông Lê Bá Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, khối lượng thi công ước đạt trên 75%, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Các hạng mục quan trọng của dự án gần như đã hoàn thành. Phần quan trọng nhất là tuabin của Nhà máy cũng đã được lắp đặt vào vị trí và hiện đang được các chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia, kỹ sư trong nước tăng tốc lắp đặt các phụ kiện vào để hoàn thành hạng mục này. 

Dự kiến Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025.

Tuy nhiên đây là dự án đầu tiên sử dụng nhiên liệu khí LNG tại Việt Nam nên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ.

Chẳng hạn, hiện dự án đang có một số vướng mắc liên quan đến việc chưa thể ký được Hợp đồng mua bán điện (PPA), chưa hoàn thành công tác thuê đất cho dự án và công tác đấu nối dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3,...

Trong đó vướng mắc quan trọng nhất phải giải quyết sớm là hợp đồng PPA giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PV Power; kế đến là cam kết mua điện dài hạn (Qc) và xác định khung giá phát điện LNG.

Đây là các yếu tố quan trọng nhất để dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có thể triển khai thuận lợi, hiệu quả. Bởi khi có 3 yếu tố này thì PV Power mới có thể sớm ký hợp đồng mua bán khí (GSA) dài hạn, ổn định với giá khí hợp lý nhất. 

Về công tác đấu nối, do thi công dự án đường dây đấu nối Nhà máy Nhơn Trạch 3 vào hệ thống điện quốc gia bị chậm (vì vướng quy hoạch đô thị Nhơn Trạch, bồi thường giải phóng mặt bằng) nên PV Power và các bên thống nhất kiến nghị phương án cho đấu nối tạm vào hệ thống tải điện của Nhà máy Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 hiện hữu để thử nghiệm và giải tỏa công suất. Hiện phương án đấu nối tạm thời này đã hoàn tất thi công, chỉ chờ hoàn tất các thủ tục liên quan. 

Một khó khăn khác là hiện dự án vẫn đang gặp phải vấn đề liên quan đến sự chưa thống nhất giữa Ban quản lý Dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 và đơn vị cho thuê đất là Tập đoàn Tín Nghĩa.

Trước đó, PV Power đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các cơ quan chức năng phản ánh việc thi công bị đình trệ do Tín Nghĩa - đơn vị được giao quản lý Khu công nghiệp Ông Kèo cản trở thi công hạng mục kênh xả nước làm mát tại đoạn giao cắt với đường số 4 Khu công nghiệp Ông Kèo.

Khúc mắc bắt nguồn từ việc Tín Nghĩa đề xuất áp dụng đơn giá phí sử dụng hạ tầng khoảng 100 USD/m2 theo phương thức trả tiền một lần cho suốt vòng đời dự án gồm 4 năm xây dựng và 25 năm vận hành.

Trong khi đó, phía PV Power lại cho rằng mức phí trên chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Tính đến ngày 15/2, hạng mục kênh xả nước làm mát của dự án vẫn chưa được triển khai.

Theo PV Power, việc này dẫn đến việc dự án có nguy cơ không hoàn thành tiến độ, ảnh hưởng đến 16 nhà thầu và nhà thầu phụ của dự án với 1.858 lao động và hàng nghìn thiết bị máy móc tại công trường.

Dự kiến, ngoài hàng trăm tỷ đồng tiền phạt và bồi thường cho nhà thầu EPC do chậm tiến độ, việc phát bao tiêu khí cho nhà cung cấp LNG… có thể gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu của doanh nghiệp.

Hiện tại phía PV Power vẫn đang chờ ý kiến của Chính phủ và tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty Tín Nghĩa dừng các hoạt động cản trở chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thi công, xây dựng để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngoài ra, dự án cũng đang gặp vướng mắc khác là do dự án không được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay mà Qc của dự án thì chưa được cam kết nên công tác thu xếp vốn hiện nay đang gặp khó khăn, kéo dài hơn so với dự kiến… 

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả dự án, PV Power kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương thống nhất chủ trương cho phép dự án được áp dụng cơ chế thí điểm với nội dung quan trọng nhất trong cơ chế này là áp dụng sản lượng điện hợp đồng (Qc) dài hạn tối thiểu từ 8 - 10 năm (tương ứng thời gian hợp đồng mua LNG) theo thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cho dự án và lợi ích cho xã hội. 

Minh Hằng