|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn PVN dự chi khoảng 2 tỷ USD cho kế hoạch đầu tư các dự án khí năm 2024

09:56 | 07/02/2024
Chia sẻ
Năm 2024, Tập đoàn PVN dự chi khoảng 2 tỷ USD cho công tác đầu tư, gấp rưỡi thực hiện năm ngoái. Trong đó Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn là dự án được chú trọng, cần ưu tiên các công việc để đạt mốc Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) theo kế hoạch.

 Chuỗi dự án Lô B là một trong những trọng điểm của công tác đầu tư trong năm 2024 của PVN. (Ảnh: PVN).

Theo thực tiễn triển khai kế hoạch đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đến năm 2025, trong giai đoạn 2021 - 2023, giá trị thực hiện giải ngân của tập đoàn năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2023 toàn tập đoàn đã thực hiện đầu tư trên 32.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24,4% so với năm 2022 và là mức tăng trưởng về đầu tư lớn nhất trong giai đoạn gần đây. 

Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư của toàn Tập đoàn đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt khoảng 49.200 tỷ đồng, cao hơn 57% so với giá trị thực hiện năm 2023. 

Tổng Giám đốc PVN yêu cầu các bên chủ động trong triển khai các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, các dự án quan trọng của Tập đoàn. Ban chỉ đạo Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn chỉ đạo, đôn đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) và các đơn vị triển khai thực hiện Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, ưu tiên các công việc để đạt mốc Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) theo kế hoạch.

Các đơn vị khâu đầu được yêu cầu quản lý thực hiện chương trình công tác ngân sách và kế hoạch giao đầu năm trên 25.700 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là đơn vị dẫn đầu về kế hoạch đầu tư năm 2024 cần bố trí đủ nguồn lực, có kế hoạch triển khai cụ thể khả thi để thực hiện các dự án đầu tư, đảm bảo tỷ lệ thực hiện và giải ngân ở mức cao trong kế hoạch vốn trên 20.600 tỷ đồng. 

Cụ thể, PVEP cần tập trung nguồn lực triển khai các dự án có kế hoạch vốn lớn: Dự án phát triển khai thác Lô B&48/95 và Lô 52/97 của Công ty Mẹ và PVEP (với tổng kế hoạch đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng); dự án phát triển Lô 05-1a của PVEP (kế hoạch khoảng 5.100 tỷ đồng), dự án mua FPSO của PVEP (kế hoạch khoảng 3.600 tỷ đồng)... 

Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SW POC) phối hợp cùng PV GAS và các nhà thầu sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đường ống Lô B, đảm bảo tiến độ đồng bộ của cả Chuỗi dự án; Tiếp tục nghiên cứu các cơ hội đầu tư phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam. 

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) khẩn trương hoàn thành phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để triển khai thi công, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành theo chỉ đạo. 

Đối với lĩnh vực công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, các công ty thực hiện rà soát, củng cố và hoàn thiện tổ chức các Ban Quản lý dự án của Tập đoàn phù hợp với quy định pháp luật. Các công ty cũng cần triển khai thủ tục phê duyệt điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Long Phú 1, Dự án NMĐK Ô Môn III, Ô Môn IV để sớm tổ chức thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, các công ty thành viên lưu ý tổ chức triển khai Dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3, 4 theo đúng kế hoạch, đảm bảo hoàn thành thực hiện kế hoạch vốn năm 2024 khoảng 6.500 tỷ đồng, giải ngân khoảng 8.300 tỷ đồng.

Ngoài ra các đơn vị cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc các dự án khó khăn kéo dài; hoàn thành công tác thanh quyết toán dự án đã hoàn thành: NMNĐ Vũng Áng 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2... 

Các đơn vị dịch vụ dầu khí đang nghiên cứu các cơ hội đầu tư trên cơ sở danh mục các sản phẩm dịch vụ chủ lực theo định hướng phát triển của Tập đoàn. Một số đơn vị có kế hoạch vốn đầu tư lớn như: PVTrans (Mã: PVT) với kế hoạch khoảng 3.300 tỷ đồng, PV Drilling (Mã: PVD) dự kiến chi 2.100 tỷ đồng, PTSC (Mã: PVS) kế hoạch khoảng 1.800 tỷ đồng.

Minh Hằng