|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thêm nhà máy điện tỷ USD, công suất của PV Power có thể mở rộng 36%

14:24 | 12/12/2023
Chia sẻ
Nhà máy Nhơn Trạch 3&4 đi vào vận hành cuối năm 2024 và đầu năm 2025 có thể giúp tổng công suất của PV Power tăng mạnh 36%, nhưng đi kèm với đó là áp lực về nợ vay và chi phí tài chính cũng dâng cao.

Nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3&4 đang là dự án trọng điểm của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW), được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn. 

Theo đánh giá mới nhất của VNDirect, tổ hợp nhà máy này có thể giúp gia tăng tổng công suất của PV Power lên thêm 36%, đồng thời đóng góp lần lượt 4,8% và 28,3% vào doanh thu công ty trong giai đoạn 2024-2025. 

Dự án Nhơn Trạch 3&4 có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD với hai tổ máy có tổng công suất 1,5GW, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2024-2025. Đây là  dự án điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

Tuabin khí của Nhơn Trạch 3 đã được đặt lên bệ móng vào ngày 16/10, còn tiến độ tổng thể của dự án mới đạt 65,5% tính đến ngày 14/11 (chậm hơn dự kiến 9,5%). VNDirect dẫn lời ban lãnh đạo doanh nghiệp rằng tự tin sẽ đưa Nhơn Trạch 3&4 vào vận hành thương mại lần lượt trong quý IV/2024 và quý II/2025. 

Tổng công ty cũng đã đàm phán thỏa thuận mua bán điện (PPA) cho Nhơn Trạch 3&4 trong 3 năm, đang làm việc với công ty Mua bán điện và đã chính thức đệ trình hợp đồng lên EVN. Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng đảm bảo điều khoản sản lượng hợp đồng (Qc) đạt 80% cho Nhơn Trạch 3&4.

PV Power còn hoàn thành khung hợp đồng mua bán khí với PV Gas và đang tích cực hoàn thiện các bước cuối cùng. Công ty cho biết lô nhập khẩu LNG đầu tiên tại kho cảng LNG Thị Vải trong tháng 7 có giá 11-13 USD/mmbtu, rẻ hơn giá khí tự nhiên từ mỏ Đông Nam Bộ nên sẽ đảm bảo hiệu quả cho các nhà máy mới. 

 Dự phóng chi phí tài chính và tỷ lệ nợ của PV Power. Nguồn: VNDirect.

Ở khía cạnh khác, việc đầu tư lớn vào tổ hợp Nhơn Trạch 3&4 khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính của PV Power tăng nhanh. Tổng công ty có kế hoạch cấp vốn với tỷ trọng 25% từ vốn chủ sở hữu và 75% từ vay nợ cho nhóm dự án tỷ USD này. 

Tổng công ty đang có 3 khoản vay lớn để tài trợ cho dự án bao gồm gói 4.000 tỷ đồng từ Vietcombank (lãi suất năm đầu tiên là 7%/năm và sau đó thả nổi theo mức lãi suất tiền gửi +2%), hoàn thành đàm phán gói vay 200 triệu USD từ SMBC, đang đàm phán gói thứ ba trị giá 500 triệu USD từ Citibank và ING. 

Theo VNDirect, các khoản vay dài hạn sắp tới sẽ gây áp lực lên tỷ lệ đòn bẩy trong giai đoạn 2022-2025, khiến tổng vay nợ tăng mạnh lên hơn 25.616 tỷ đồng vào năm 2025. 

Áp lực sẽ giảm dần từ năm 2026 khi khoản vay sẽ được phân bổ thanh toán cùng với chi phí tài chính sẽ giảm đi. Đến năm 2030, nhóm chuyên gia ước tính tổng nợ vay sẽ giảm với tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn đáng kể và chi phí tài chính sẽ giảm từ mức đỉnh 1.660 tỷ đồng năm 2026 xuống còn 1.390 tỷ đồng vào năm 2030. 

Đánh giá chung về hoạt động của PV Power, chuyên gia VNDirect nhấn mạnh rằng các nhà máy điện của tổng công ty đã sẵn sàng vận hành trọn vẹn trong năm 2024 (trong khi năm 2023 có 6 đợt bảo dưỡng trùng tu làm ảnh hưởng đến sản lượng huy động).  

Thêm nữa, tổ máy số 1 tại nhà máy Vũng Áng 1 hoạt động trở lại vào tháng 8 sau gần 2 năm tạm ngừng hoạt động cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng trong năm 2024. Do đó, VNDirect dự phóng tổng sản lượng huy động sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tổng doanh thu tăng trưởng 18% trong năm 2024. 

Một luận điểm khác là tiêu thụ điện dự kiến phục hồi trong năm 2024. EVN dự báo nhu cầu điện quốc gia sẽ tăng 8,9% so với cùng kỳ trong năm 2024, cao hơn so với mức tăng trưởng ước tính 4,6% của năm 2023. Tập đoàn dự kiến huy động nhiệt điện ngay từ đầu năm để chuẩn bị cho kịch bản thuỷ văn tiêu cực trong năm sau. 

 

Hiện PV Power sở hữu 8 nhà máy điện trên cả nước với tổng công suất phát 4.205 MW, chiếm khoảng 5,4% tổng công suất phát điện thiết kế của Việt Nam. Đây là đơn vị có công suất tối đa lớn thứ hai trong số các doanh nghiệp niêm yết, chỉ sau EVN Genco 3 (Mã: PGV).  

Tổng công ty tập trung vào nguồn điện khí, với công suất khí đốt là 2.700 MW, tương đương 64% tổng công suất của PV Power và 38% thị phần điện khí cả nước. Điện than và thủy điện lần lượt chiếm 29% và 7% tổng công suất của công ty. Công ty sử dụng tuabin khí hiện đại cho các nhà máy dẫn đến tỷ lệ công suất sử dụng cao 62,9%. 

Cho năm 2023, VNDirect dự phóng PV Power có thể đạt hơn 31.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với năm ngoái. Tuy nhiên chi phí vận hành và bảo trì cao khiến biên lợi nhuận xuống thấp, qua đó đẩy lợi nhuận ròng xuống khoảng 1.230 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2022. 

 

Huy Lê