PV GAS muốn đấu giá công khai PV Pipe với giá khởi điểm hơn 1.500 tỷ đồng
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) vừa công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ hơn 183,8 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí (PV Pipe) theo hình thức đấu giá công khai theo lô, tương ứng tỷ lệ sở hữu 99,9946% cổ phần.
Giá khởi điểm lô cổ phần hơn 1.506 tỷ đồng, tương ứng 8.197 đồng/cổ phiếu.
Điều kiện tham dự đấu giá là tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Quy chế đấu giá cổ phiếu của PV GAS sở hữu tại PV Pipe và cam kết thanh toán cho PV GAS khoản nợ phải thu với số tiền tỷ 397 tỷ đồng mà PV Pipe phải thanh toán cho tổng công ty.
Thời gian dự kiến tổ chức đầu giá vào 10h sáng ngày 30/8 tại tòa nhà PVFCCo, số 43 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.
Trước đó, ý định thoái vốn PV Pipe đã được ban lãnh đạo PV GAS chia sẻ trong cuộc gọp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Lúc đó, ngoài PV Pipe, tổng công ty còn dự định thoái vốn tại CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South - Mã: PGS) trong năm nay.
Trở lại với PV Pipe, theo giới thiệu, công ty được thành lập tháng 4/2010 với vốn điều lệ 1.838,5 tỷ đồng, chuyên về sản xuất ống thép. PV Pipe sở hữu Nhà máy chế tạo ống thép Dầu khí tại Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp tại tỉnh Tiền Giang, với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm/ca trên diện tích 22,9 ha. Tổng vốn đầu tư dự án nhà máy là 2.175 tỷ đồng.
Nhà máy của PV Pipe có quy mô lớn về sản xuất ống thép hàn thẳng trên dây chuyền công nghệ 3-Roll Bending đạt tiêu chuẩn API (đã được cấp chứng chỉ API 5L, API 2B chuyên cho ngành công nghiệp dầu khí) của Mỹ. PV Pipe có cảng chuyên dụng riêng, phù hợp cho việc vận chuyển ống với công suất lớn, đáp ứng tiến độ.
Chiến lược phát triển của PV Pipe là tập trung sản xuất chế tạo các loại ống thép hàn thẳng phục vụ cho các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu, khí tại Việt Nam như Lô B - Ô Môn và đường ống Nam Côn Sơn II và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về tình hình kinh doanh, trong 5 năm giai đoạn 2017 - 2021, công ty thường xuyên thua lỗ trên trăm tỷ đồng, chỉ có hai năm 2019 và 2020 thì lãi sau thuế lần lượt đạt hơn 51 và 50 tỷ đồng. Mức doanh thu trong hai năm này cũng đột biến trên 300 tỷ đồng, trong khi những năm còn lại dưới chỉ vài chục tỷ.
6 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 7 tỷ nhưng phải chịu chi phí lớn nên lỗ sau thuế 71 tỷ đồng. Theo công bố, tính đến cuối tháng 6, công ty đang lỗ lũy kế 815 tỷ đồng. Năm nay, PV Pipe đặt mục tiêu có doanh thu là 55,8 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 142 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản tính đến cuối quý II vừa qua còn 1.448 tỷ đồng, giảm so với năm 2017 được công bố 1.801 tỷ, tức giảm khoảng 20%. Hệ số nợ/tổng tài sản tại cuối năm 2021 0,28 lần, tương ứng số nợ mà PV Pipe vay khoảng 405 tỷ đồng.
PV GAS cũng cho biết hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn và hệ số khả năng thanh toán nhanh của PV Pipe năm 2018-2019 đều dưới 1. Song năm 2020-2021 hai chỉ tiêu này đã được cải thiện, đều trên 1.