Putin và Biden điện đàm suốt 50 phút, chiến tranh có nổ ra ở Ukraine?
CNBC dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết cuộc điện thoại bắt đầu lúc 15h35 (theo giờ phía Đông nước Mỹ) và kéo dài trong 50 phút.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden đã hối thúc ông Putin xuống thang căng thẳng với Ukraine, đồng thời khẳng định chính quyền Washington sẵn sàng "đáp trả quyết liệt" cùng với các đồng minh nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết giọng điệu của cuộc hội đàm "rất nghiêm túc và quan trọng".
"Cả hai nguyên thủ đều nhận thấy có những lĩnh vực mà hai bên có thể đạt được tiến bộ đáng kể, đồng thời có những vấn đề mà hai nước có thể đạt được thỏa thuận chung", quan chức Mỹ nói. Ngoài ra, cuộc đối thoại an ninh ngày 10/1 sắp tới cũng sẽ tiếp nối những vấn đề được thảo luận giữa hai tổng thống hôm 30/12.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình ở Ukraine. Quan chức giấu tên của Mỹ nói: "Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ sự di chuyển và quá trình tập trung của lực lượng quân đội Nga ở gần biên giới với Ukraine, đồng thời chuẩn bị ứng phó với bất kỳ quyết định nào mà Tổng thống Nga đưa ra".
Ông Yury Ushakov, trợ lý của Tổng thống Putin, cho biết hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã chúc mừng nhân dân hai nước nhân dịp năm mới. Ông miêu tả cuộc nói chuyện giữa Biden và Putin là "thẳng thắn, nhiều thông tin và có bản chất cụ thể".
"Ông Putin đã vạch ra những nguyên tắc cơ bản của Nga trong các đề xuất an ninh và nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ tìm cách đảm bảo an ninh của Nga. Về nguyên tắc, Tổng thống Mỹ đồng ý với quan điểm này", ông Ushakov nói.
"Joe Biden nói rõ rằng Mỹ không có ý định đưa vũ khí tấn công tới Ukraine và ông Putin lưu ý rằng đây là một điểm mấu chốt đối với chúng tôi", trợ lý của Tổng thống Nga cho biết thêm.
Theo Xinhua (Tân Hoa xã), ông Putin đã cảnh báo ông Biden rằng áp các lệnh trừng phạt diện rộng chống lại Nga sẽ là một "sai lầm chí mạng" và có thể dẫn tới "sự đổ vỡ trong quan hệ Nga - Mỹ".
Cuộc nói chuyện hôm 30/12 được tổ chức theo lời đề nghị của Tổng thống Putin và là lần điện đàm thứ 2 giữa nguyên thủ Nga - Mỹ trong tháng này.
Tổng thống Vladimir Putin từng khăng khăng rằng mặc dù Nga điều động hàng nghìn binh sĩ và nhiều khí tài hạng nặng tới gần biên giới với Ukraine nhưng Nga không hề có ý định xâm lược người hàng xóm này.
Tuy nhiên ông Putin cũng ra điều kiện để không xâm phạm lẫn nhau: Nga hứa sẽ không tấn công Ukraine nếu đề nghị gia nhập NATO của Ukraine bị từ chối.
Từ lâu, Nga đã coi việc Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía đông là nước đi vượt quá "lằn ranh đỏ", đe dọa an ninh của nước Nga.
Từ năm 2002, Ukraine đã đệ đơn gia nhập khối quân sự hùng mạnh nhất hành tinh là NATO. Điều 5 trong Hiệp ước NATO nêu rõ rằng nếu một nước thành viên bị tấn công thì coi như cả khối đều bị tấn công và tất cả đều có trách nhiệm đáp trả để tự vệ.
Trong cuộc nói chuyện hôm 7/12, ông Biden không chấp nhận khái niệm "lằn ranh đỏ" của ông Putin và cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu sẵn sàng tung các đòn đánh kinh tế và chính trị nếu biên giới Ukraine bị xâm phạm.
Nga và Ukraine từng là hai thành viên lớn mạnh nhất của Liên bang Xô Viết cũ. Quan hệ giữa hai nước không mấy đầm ấm sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Năm 2014, Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao và làm nổ ra xung đột quân sự ở miền đông Ukraine. Hành động này Moscow cũng khiến Nga bị phương Tây giáng nhiều đòn trừng phạt kinh tế.
Bán đảo Crimea có các bến cảng và căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất tại Biển Đen. Trong cuộc chiến tranh Xô - Đức (Thế chiến thứ II), hàng trăm nghìn binh sỹ Hồng quân Xô Viết đã ngã xuống để bảo vệ và đánh chiếm lại cảng Sevastopol ở Crimea và Odessa bên bờ Biển Đen.