|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Prudential lãi hơn 10.000 tỷ từ mảng tài chính, đầu tư hàng chục nghìn tỷ vào cổ phiếu, trái phiếu

10:58 | 09/04/2024
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2023, ông lớn bảo hiểm này rót hơn 70.000 tỷ vào trái phiếu Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh, hơn 28.000 tỷ vào tiền gửi, khoảng 10.000 tỷ vào cổ phiếu và 17.000 tỷ vào trái phiếu doanh nghiệp.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận trước thuế là 3.807 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo công bố của Manulife Việt Nam, mặc dù là tâm điểm của cuộc khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực bảo hiểm trong hai năm vừa qua, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.270 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2022.

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Manulife đã vượt qua Prudential về chỉ tiêu lợi nhuận. Trong nhiều năm, Prudential luôn là doanh nghiệp bảo hiểm lãi lớn nhất tại thị trường Việt Nam. 

Manulife vượt Prudential về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. 

Trong năm 2023, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential đã sụt giảm gần 90% khi doanh thu phí bảo hiểm giảm từ 30.543 tỷ đồng xuống 26.579 tỷ đồng và chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng, lên 25.310 tỷ đồng. Chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng lên chủ yếu do chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm. 

Tuy nhiên, lợi nhuận của Prudential không tụt quá sâu nhờ khoản lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tài chính đột biến, tăng 185,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh, lãi thuần từ hoạt động tài chính vượt trội trong năm 2024 đến từ lãi trái phiếu, tiền gửi, cổ tức tăng cũng như lãi chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị.

Trong năm 2023, lãi chưa thực hiện của các khoản đầu tư quỹ liên kết đơn vị đạt 2.302 tỷ đồng, so với khoản lỗ chưa thực hiện 2.927 tỷ đồng vào năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của Prudential.

Trong năm 2023, chi phí bán hàng của Prudential đã giảm 26,2%, nhờ mức chi thưởng, hỗ trợ và quyền lợi khác đại lý bảo hiểm giảm sâu. Chi phí này đã giảm từ 5.221 tỷ đồng xuống 3.493 tỷ đồng, tương đương 33%. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại nhích nhẹ do công ty tăng mức chi lương và chi phí liên quan.

 

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Prudential đạt gần 176.700 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, công ty bỏ 33.500 tỷ đồng vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 117.500 tỷ đồng cho đầu tư tài chính dài hạn, tăng lần lượt 4,8% và 7,9% so với đầu năm.

Prudential là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh vào cổ phiếu. Gần một nửa các khoản đầu tư ngắn hạn của công ty bảo hiểm này (14.900 tỷ đồng) là chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM, phần còn lại dưới dạng tiền gửi tại ngân hàng.

Để so sánh, vào cuối năm 2023, Manulife cũng đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Gần một nửa các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Prudential là chứng khoán. (Ảnh: Prudential).

Đầu tư tài chính dài hạn của Prudential chủ yếu dưới dạng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (hơn 70.000 tỷ) và tiền gửi ngân hàng (hơn 28.000 tỷ). Ngoài ra, công ty cũng đang nắm hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang đầu tư không được Prudential nêu trong thuyết minh báo cáo tài chính.

 Trái phiếu Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư dài hạn của Prudential. (Nguồn: BCTC của Prudential).

Tính đến cuối năm 2023, số nhân viên của Prudential là 1.688 người, tăng 73 người so với đầu năm. Với chi phí lương là 1.542 tỷ đồng, có thể ước tính rằng bình quân mỗi tháng, Prudential chi cho mỗi nhân viên 77,8 triệu đồng. Mức chi phí này chưa tính đến tiền thưởng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm.

Năm 2023, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn đã ban hành quyết định xử phạt đối với Prudential. Công ty bị truy thu số thuế thu nhập doanh nghiệp trị giá 148 tỷ đồng cho năm 2021 và đã nộp vào Ngân sách Nhà nước vào ngày 4/1/2024. Do đó, vốn chủ sở hữu của Prudential đã được điều chỉnh giảm tương ứng.

Prudential đã nộp lại 148 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Prudential).

Minh Quang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.