Gần 60% khoản bảo hiểm AIA bán qua ngân hàng bị hủy sau năm đầu
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam trong năm 2022.
Giai đoạn này, AIA phân phối bảo hiểm qua 6 ngân hàng gồm VPBank, BVBank, KienlongBank, CitiBank, HSBC, Public Bank Việt Nam. Trong đó, đối tác phân phối bảo hiểm có doanh thu khai thác mới cao nhất là VPBank. Đến cuối 2022, AIA đã trả số tiền hỗ trợ ban đầu cho đối tác lớn nhất là VPBank hơn 7.200 tỷ
Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của AIA đạt gần 5.300 tỷ đồng, chiếm 28% tổng doanh thu phí. Còn nếu tính theo việc bán hợp đồng mới, kênh ngân hàng đóng góp 42% tổng phí khai thác mới của AIA.
Theo đó, công ty phát hành mới hơn 73.400 hợp đồng qua kênh ngân hàng. Tỷ lệ hủy ngang sau năm đầu là 57%, tính theo phí bảo hiểm.
Ngoài AIA, tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm đầu, theo thanh tra trước đó của Bộ Tài chính tại các doanh nghiệp khác cũng ở mức cao, từ 32% đến 73% (năm 2021).
Doanh nghiệp |
Đối tác ngân hàng |
Doanh thu phí bancassurance mỗi năm (năm 2021 hoặc 2022) (Tỷ đồng) |
Tỷ lệ hủy sau năm đầu (%) |
AIA | VPBank, BVBank, Kienlongbank, Citibank, HSBC, Public Bank Việt Nam | 1.548 | 57 |
Sunlife | TPBank, ACB | 2.000 | 39-73 |
Prudential | VIB, MSB, Pvcombank, SeABank, Standard Chartered, VietBank, UOB, Shinhan | 6.200 | 41 |
MB Ageas | MB, M.Credit | 4.460 | 32 |
BIDV Metlife | BIDV | 1.550 | 39 |
Tại đối tác phân phối bảo hiểm ngân hàng của AIA là VPBank, có 167 nhân viên nhà băng này giới thiệu khách hàng tham gia hơn 230 hợp đồng bảo hiểm liên kết chung dù chưa được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý, hoặc chưa được chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.
Bên cạnh đó, việc thanh tra cho thấy có hơn 3.000 nhân viên ngân hàng của VPBank, BVBank, KienLongBank... được công ty AIA đào tạo để giới thiệu khách hàng tham gia bảo hiểm liên kết đơn vị nhưng chưa đảm bảo đầy đủ nội dung, thời lượng đào tạo theo quy định của Bộ Tài chính. Theo đó, các nhân viên ngân hàng này chỉ giới thiệu khách tham gia mà không tham gia vào việc tư vấn, chào bán và thu xếp ký kết hợp đồng.
Việc để các nhân viên thuộc đại lý bảo hiểm chưa được đào tạo đầy đủ tiếp cận với khách hàng, chưa làm đầy đủ các bước theo thoả thuận giữa AIA và ngân hàng, nhưng vẫn nhận đủ hoa hồng và khoản thưởng, theo kết quả thanh tra, là không đúng quy định.
Ngoài ra, năm 2022, AIA chi hơn 376 tỷ để trả "phụ cấp cố định" và khoản thưởng cho đại lý bảo hiểm cá nhân kênh bancassurance, tuy nhiên Bộ Tài chính xác định cách thức xác định, tính toán số tiền chi thưởng chưa đúng theo quy định pháp luật.
Theo đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đề nghị tổng giám đốc AIA Việt Nam rà soát, tăng cường quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để giảm tình trạng hủy hợp đồng, đảm bảo quyền lợi của người mua. Việc ban hành các quy định bancassurance phải đảm bảo khách hàng được tư vấn phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính, nhận thức rõ được quyền lợi, các khoản phí, cũng như rủi ro...
Trên thực tế, sau giai đoạn "bùng nổ", bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng cũng đã ghi nhận sự dịch chuyển khắt khe, lành mạnh hơn. Một số đơn vị bảo hiểm như đã yêu cầu đối tác ngân hàng cam kết về tỷ lệ duy trì hợp đồng tuy nhiên hầu hết đơn vị đều chưa công khai con số này.
Tại cuộc họp gần đây, bà Nguyễn Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết cơ quan này đã hoàn thành thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm. Đơn vị bà cũng đã công bố công khai kết luận thanh tra của Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi vào đầu tháng 2 trên cổng thông tin của Cục.
Các sai phạm chính của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu liên quan đến ban hành quy chế, giám sát đại lý bảo hiểm chưa đúng quy định; quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm; hạch toán, kế toán còn sơ suất.
Các vi phạm hành chính đã được xử phạt. Hiện cơ quan này phối hợp với Cục Thuế để xử lý những vấn đề liên quan đến nợ thuế.