Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phân hoá mạnh 6 tháng đầu năm: Prudential giảm gần một nửa, Cathay Life lãi gấp đôi
Doanh thu bảo hiểm giảm sâu
Những tháng vừa qua, ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có do một loạt bê bối. Niềm tin của người dân vào bảo hiểm nhân thọ đi xuống, ảnh hưởng tới doanh thu phí bảo hiểm - hoạt động kinh doanh cốt lõi của các công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp BHNT vẫn đang tìm ra cách để duy trì lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính bán niên của 11 doanh nghiệp BHNT đang hoạt động tại Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đa số các doanh nghiệp BHNT đều ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đi xuống. Chỉ có 3 công ty công bố doanh thu mảng này đi lên so với nửa đầu năm 2022. Trong đó, mức tăng của Cathay Life và BIDV Metlife chưa đầy 10%, còn Shinhan Life là doanh nghiệp mới gia nhập thị trường từ quý I/2022.
Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh cốt lõi khó khăn, kết quả kinh doanh lại ghi nhận sự phân hóa mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước trong khi một số lại có sự tăng trưởng cao.
Những công ty có lợi nhuận giảm phải kể đến như Pridential, Dai-ichi (Top 5 về thị phần bảo hiểm nhân thọ), Hanwha Life, Chubb Life, Generali, MVI.
Prudential chứng kiến lợi nhuận tụt sâu trong nửa đầu năm 2023, từ 2.805 tỷ đồng xuống còn 1.601 tỷ đồng (tương đương mức sụt giảm 42,9%). MVI cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 37,4%, xuống còn 205 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Cathay Life lại có lợi nhuận trước thuế tăng tới hơn 105%, từ 475 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 979 tỷ đồng nửa đầu năm nay.AIA tăng 19% lợi nhuận.
Trong công bố mới đây, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ, doanh nghiệp có thị phần nhân thọ lớn nhất hiện nay, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 525 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ 2022.
Ngoài ra, FWD và BIDV Metlife là hai doanh nghiệp thành công trong việc thoát lỗ. Năm ngoái, FWD từng thua lỗ 548 tỷ đồng, nhưng bước sang năm nay, công ty đã có lãi nhờ giảm gần 1 nửa các khoản chi cho kênh phân phối. BIDV Metlife có lãi nhờ tăng trưởng ở cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh tài chính, cũng như tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Hoạt động tài chính lãi lớn
Sau cuộc khủng hoảng niềm tin, doanh thu phí bảo hiểm tại đa số các doanh nghiệp đều đi xuống. Cùng với đó, các công ty cũng đang ngày càng phải chi nhiều hơn cho bồi thường và trả tiền bảo hiểm, kéo lợi nhuận của mảng kinh doanh này đi xuống.
Kể quả kinh doanh tổng hợp từ 11 công ty cho thấy lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong nửa đầu năm đạt 7.900 tỷ đồng, giảm 49,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tài chính của nhiều công ty lại khởi sắc mạnh mẽ, với mức tăng trưởng hai và ba con số. Trong 11 công ty khảo sát, chỉ duy nhất có Hanwha Life ghi nhận lợi nhuận gộp từ kinh doanh tài chính sụt giảm 29,6%.
Tổng cộng, lợi nhuận của mảng kinh doanh này tại 11 công ty đã tăng 104%, đạt 11.906 tỷ đồng, giúp phần nào bù đắp cho sự sa sút trong hoạt động bán bảo hiểm.
Cụ thể, Prudential, Top 3 thị phần bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, chứng khiến lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm cắm đầu hơn 94%, từ khoảng 5.500 tỷ đồng rơi xuống 322 tỷ đồng. Nguyên nhân là doanh thu phí bảo hiểm của công ty sụt giảm gần 1.100 tỷ đồng, trong khi chi phí bồi thường và chi trả bảo hiểm tăng hơn 1.400 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng hơn 2.900 tỷ đồng.
Tuy vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tài chính của công ty tăng trưởng tới 284,8%, từ 1.376 tỷ đồng vọt lên 5.295 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Trong báo cáo tài chính, công ty lý giải nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tài chính tăng mạnh đến từ lãi chưa thực hiện do đánh giá lãi các khoản đầu tư của quỹ liên kết, lãi từ tiền gửi ngân hàng và thu nhập từ cổ tức.
Cathay Life, doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số trong nửa đầu 2023, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính. Lãi gộp từ hoạt động kinh doanh tài chính của công ty đã đi từ 634 tỷ đồng lên 1.147 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 81%.
AIA, một trong số công ty có lợi nhuận trước thuế đi lên trong nửa đầu năm nay, đã mạnh tay giảm chi phí bán hàng thêm 27,8%, xuống còn 1.173 tỷ đồng . Nếu không tối ưu được khoản chi phí này, lợi nhuận trước thuế của AIA sẽ thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Hanwha Life, doanh nghiệp có lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm lẫn kinh doanh tài chính giảm lần lượt 54,4% và 29,6%, vẫn giữ cho lợi nhuận trước thuế không tụt quá sâu (chỉ giảm 7,1%) so với cùng kỳ năm trước nhờ cắt giảm mạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Nửa đầu năm trước, công ty từng chi khoàng 652 tỷ đồng để khen thưởng cho đại lý. Tuy nhiên, sang năm nay, chi phí cho khoản mục này chỉ là 192 tỷ đồng. Những khoản như lương, thuê văn phòng, quảng cáo ... cũng được công ty cắt giảm sâu. Kết quả là tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chỉ còn 496 tỷ đồng, so với 1320 tỷ đồng vào nửa đầu năm ngoái.
Shinhan Life, tân binh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn tiếp tục thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, bất chấp lợi nhuận từ kinh doanh tài chính và kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực. Nguyên nhân đến từ chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp cùng tăng nhanh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, với một công ty vừa gia nhập thị trường vào quý I/2022, việc thua lỗ để mở rộng hoạt động kinh doanh là hoàn toàn bình thường.
Chuyển dịch từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn
Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp BHNT tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn. Tính đến 30/6/2023, tổng đầu tư tài chính ngắn hạn của 11 doanh nghiệp bảo hiểm đạt hơn 77.000 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đầu tư tài chính dài hạn lại tăng 11,8% lên gần 252.000 tỷ đồng.
Trong danh sách, có 9 công ty cắt giảm đầu tư tài chính ngắn hạn và đồ thêm tiền vào tài sản dài hạn. Chỉ có hai công ty (FWD và BIDV Metlife) đi ngược lại xu hướng chung, trong khi Dai-ichi Life tăng cả đầu tư ngắn hạn lẫn dài hạn.
Xu hướng trên diễn ra mạnh nhất tại Hanwha Life, khi công ty cắt giảm tới 91,4% các khoản đầu tư ngắn hạn và tăng gấp hơn hai lần những khoản đầu tư dài hạn.
Những tài sản mà các doanh nghiệp BHNT ưu tiên đầu tư là tiền gửi ngân hàng (cả ngắn hạn và dài hạn) cũng như Trái phiếu Chính phủ. Khác với các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết (chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ), cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp cũng đóng góp một phần lớn trong danh mục đầu tư tài chính của các công ty BHNT.
Trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin vẫn tiếp diễn, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bán bảo hiểm của các doanh nghiệp BHNT dự kiến còn gặp nhiều khó khăn.
Nhóm doanh nghiệp này cũng đang đối mặt hoạt động thanh tra, giám sát ngày một chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, sau khi chịu hàng nghìn đơn tố giác, Manulife đã phải hoàn trả số tiền lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính đột biến trong hai quý vừa qua của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể không bền vững. Theo dữ liệu từ WiChart, vào ngày 3/1/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng tại nhóm các ngân hàng thương mại lớn là 8,4%/năm.
Tuy nhiên, đến ngày 28/8, lãi suất đã giảm khoảng 2,4 điểm %, xuống chỉ còn 6%/năm. Do đó, khoản lãi tăng đột biến từ tiền gửi ngân hàng tại các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ không còn được duy trì trong những quý tiếp theo.