|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toàn cảnh DN bảo hiểm niêm yết nửa đầu 2023: Giữ đà tăng trưởng lợi nhuận nhờ mảng đầu tư tài chính lãi lớn

07:49 | 25/08/2023
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đều giữ được mức tăng trưởng dương nhờ mảng kinh doanh tài chính, bất chấp lãi từ hoạt động cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm đi xuống.

Doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết lãi lớn 

Theo báo cáo tài chính đã công bố từ 13 công ty bảo hiểm niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2023 đạt 2.944 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, 10 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ, chỉ có 3 công ty ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. 

Sự tăng trưởng trong lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nửa đầu năm 2023 đến từ hoạt động tài chính (tăng 34,1% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm của những công ty này lại có xu hướng sụt giảm (giảm 32,2%). 

Nhìn chung, đa số các công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH), chủ yếu đều hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, các doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm vừa qua. 

 

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tháng 6 năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỷ, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ 2022 trong khi doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9%.

Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH) là doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô lớn nhất trên thị trường và cũng  dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm khảo sát trên sàn. Tổng tài sản của công ty này hiện đang lớn gấp đôi tổng tài sản của tất cả 12 doanh nghiệp còn lại cộng lại. Trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Bảo Việt tiếp tục tăng thêm 9,5%, cao hơn mức trung bình 8,4%. 

CTCP PVI (PVI - Mã PVI) và CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR - Mã: VNR) là hai doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết có quy mô lớn tiếp theo về lợi nhuận.

Bảo hiểm BIDV (BIC - Mã: BIC) và Bảo hiểm Agribank (ABIC - Mã ABI) đã ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng, vượt qua Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - Mã: PGI) và Bảo Minh (Bảo Minh - Mã BMI). Trong khi đó, Bảo hiểm Bưu điện (PTI- Mã: MIG) đã giải quyết được khoản lỗ 181 tỷ đồng của nửa đầu năm ngoái và có lãi trở lại. 

Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI) ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt 145%. Trong khi Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) có lợi nhuận sụt giảm 79,9%. 

Lỗ khi kinh doanh bảo hiểm nhưng lãi lớn nhờ hoạt động tài chính

Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 973 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cải thiện 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Công ty thu lãi gần 5.200 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 33,2% và chiếm gần 76% tổng lợi nhuận của 13 công ty được khảo sát. 

Trong khi đó, Bảo Việt lại ghi nhận khoản lỗ lên tới 870 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Cùng kỳ năm trước, bảo Việt từng kiếm được 474 tỷ đồng từ hoạt động này, dẫn đầu trong danh sách 13 công ty niêm yết. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lợi nhuận âm trong mảng kinh doanh này là do chi bồi thường bảo hiểm gốc tăng vọt lên gần 9.600 tỷ đồng, so với chỉ 7.000 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước. 

Khoản lỗ 870 tỷ đồng của Bảo Việt chính là yếu tố lớn nhất kéo tụt lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nhóm công ty niêm yết. Nếu không có khoản lỗ trên, lợi nhuận từ hoạt động này sẽ tăng trưởng 1,6%. Trong trường hợp Bảo Việt lãi như cùng kỳ năm trước, toàn ngành sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 20%.

 Một số doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, số khác tăng trưởng không nhiều.   

CTCP PVI (PVI - Mã: PVI) xếp thứ hai cả về lợi nhuận kinh doanh tài chính và lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm. Nhờ khoản lãi 502 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh tài chính (6 đầu năm tháng 2022 là 322 tỷ đồng), PVI ghi nhận lãi sau thuế tăng 38,5% so với cùng kỳ. 

Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) đã thoát khoản lỗ 181 tỷ năm ngoái nhờ tối ưu chi phí của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong 6 tháng đầu năm, khoảng mục chi phí khác cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tiêu tốn hết của PTI 1.340 tỷ đồng, so với 1.950 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI đã lãi 140 tỷ đồng, thay vì lỗ 90 tỷ như năm ngoái. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp được điều tối ưu, cũng giúp thúc đẩy lợi nhuận của công ty.

Bảo hiểm BIDV (BIC - Mã: BIC)Bảo hiểm Agribank (ABIC - Mã: ABI) là hai doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng trong giai đoạn qua chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm - mảng kinh doanh cốt lõi của ngành. 

Bảo hiểm Bảo Long (Bảo Long - Mã: BLI)Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) có lợi nhuận sau thuế sụt giảm sâu trong giai 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của Bảo Long và AIC sa sút chủ yếu do kết quả hoạt động kinh doanh tài chính không thuận lợi, lần lượt có lãi giảm 38,4% và 47,2% so với cùng kỳ. 

Sự chuyển dịch mạnh mẽ trong đầu tư tài chính

Trong nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu đầu tư tài chính. 

Cụ thể, PVI và Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cắt giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và chuyển sang các khoản đầu tư dài hạn, cụ thể là tiền gửi và trái phiếu. PVI tăng thêm khoảng 2.700 tỷ đồng tiền gửi dài hạn, trong khi PTI đổ thêm 1.000 tỷ vào tiền gửi dài hạn và 900 tỷ trái phiếu. 

Bảo hiểm Bảo Long (BLI) cũng là một công ty đẩy mạnh các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tăng 322,3% so với đầu năm và chủ yếu dưới dạng tiền gửi. 

 

Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm Quân đội (MIG) và Bảo hiểm Agribank (ABIC) đã cắt giảm mạnh các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chuyển sang tiền gửi ngắn hạn. 

Bảo hiểm Hàng không (AIC) và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BHI) là hai doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư tài chính ngắn hạn nhiều nhất, lần lượt tăng 106,5% và 63,5% sau 6 tháng đầu năm. Cả hai công ty đều chủ yếu đầu tư vào tiền gửi ngắn hạn. 

Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam thường lựa chọn tiền gửi, trái phiếu và một phần vào chứng khoán kinh doanh. Ngoài ra, bất động sản cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ tiền đầu tư nhưng với quy mô nhỏ.

Minh Quang