|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Danh mục nhận ủy thác hơn 12 tỷ USD từ ba công ty bảo hiểm ngoại tại Việt Nam có gì?

07:55 | 24/08/2023
Chia sẻ
Với nguồn thu phí khổng lồ, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã ủy thác đầu tư một phần vào công ty con là các công ty quản lý quỹ. Danh mục đầu tư của nhóm công ty con này đã ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đón nhận sự quan tâm ngày một tăng, ngành bảo hiểm bất ngờ gặp nhiều lùm xùm và đang chịu nhiều thiệt hại không nhỏ trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng khai thác mới đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.721 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng 1,3%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư đặt mối quan tâm các công ty bảo hiểm đang sử dụng tiền làm gì? Theo tìm hiểu, nhiều trường hợp số tiền phí bảo hiểm được các công ty bảo hiểm thu về và ủy thác một phần cho các công ty quản lý quỹ là công ty con.

3 công ty quản lý quỹ sở hữu danh mục chứng khoán trị giá hàng trăm nghìn tỷ

Tính tới cuối tháng 6, lượng tiền ủy thác đầu tư tại 3 công ty quản lý quỹ của Manulife, Prudential, Dai-ichi Life đang đạt trên 287.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,2 tỷ USD. Giá trị danh mục đầu tư đều tăng trưởng sau nửa năm.

 

Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (Eastspring Việt Nam), công ty con của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, là công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam tính theo giá trị tài sản đang quản lý. Eastspring Việt Nam hiện đang quản lý tổng tài sản trên 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD) tính đến 30/6/2023.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên của Eastspring Việt Nam, danh mục đầu tư ủy thác đang đạt khoảng 138.000 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% sau 6 tháng. Phân nửa danh mục là chứng khoán nợ niêm yết (trái phiếu) (trên 70.700 tỷ đồng), kế đến là chứng khoán nợ chưa niêm yết (trên 15.300 tỷ đồng) và chứng khoán vốn niêm yết (cổ phiếu) (trên 12.300 tỷ đồng).

Phân bổ danh mục ủy thác của Eastspring Việt Nam. (Nguồn: BCTC bán niên soát xét).

Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam), đang nhận ủy thác đầu tư 100.219 tỷ đồng từ Bảo hiểm Manulife (công ty mẹ), tăng 19% sau 6 tháng đầu năm 2023.

Số tiền này được phân bổ 15.415 tỷ đồng vào cổ phiếu, 72.096 tỷ đồng vào trái phiếu, còn lại là tiền gửi có kỳ hạn 12.708 tỷ đồng. Trong đó, giá trị danh mục cổ phiếu do Quản lý Quỹ Manulife Investment đầu tư tăng khoảng 28% sau 6 tháng; giá trị trái phiếu cũng tăng 23%; ngược lại khoản tiền gửi thu hẹp 9%.

 Quản lý Quỹ Manulife Investment nhận ủy thác hơn 100.000 tỷ đồng từ công ty mẹ. (Nguồn: BCTC bán niên soát xét).

Về phần Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN), danh mục đầu tư của Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam tại đơn vị này đạt 48.393 tỷ đồng tại cuối tháng 6, tăng 18% so với thời điểm cuối năm 2022. Đơn vị này vẫn duy trì vị trí chủ đạo của trái phiếu trong cơ cấu danh mục, chiếm 84%.

Phân bổ danh mục ủy thác của Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam. (Nguồn: BCTC bán niên soát xét).

Danh mục của Bảo hiểm Bảo Việt giảm lỗ gần 100 tỷ đồng sau 6 tháng

Với Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH), ông lớn có danh mục chứng khoán kinh doanh tại cuối tháng 6 đạt 2.984 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm trước. Trong cơ cấu nắm giữ, cổ phiếu (niêm yết và chưa niêm yết) chiếm hơn 2.300 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ 288 tỷ đồng và trái phiếu là 393 tỷ đồng.

Bảo Việt đang đầu tư một cổ phiếu lĩnh vực tái bảo hiểm là Vinare (Mã: VNR) (266 tỷ đồng), một mã ngân hàng thuộc Big4 là Vietinbank (Mã: CTG) (373 tỷ đồng) và ông lớn ngành sữa - Vinamilk (Mã: VNM) (357 tỷ đồng). So với giá gốc, công ty đang hòa vốn tại VNR, lỗ 5% tại CTG và 15% tại VNM.

Tại khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết, bao gồm Tổng Công ty MB Land, CTCP Thủy sản Cà Mau và các mã khác, Bảo Việt đang lỗ 56%, tương ứng với khoảng 44 tỷ đồng.

Tính chung nhóm cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết, Bảo Việt đang lỗ 8% so với giá gốc, tương đương với lỗ 199 tỷ đồng. Nhờ đà phục hồi của các cổ phiếu niêm yết, con số lỗ thu hẹp 95 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2022 (lỗ 294 tỷ đồng).

Danh mục trái phiếu trị giá 393 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Sau 6 tháng đầu năm, công ty đã phát sinh 65 tỷ đồng trái phiếu Máy tính - Truyền thông - Điều khiển 3C và tăng 150 tỷ đồng rót vào Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc.

Thuyết minh chứng khoán kinh doanh của Bảo hiểm Bảo Việt. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II).

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Nghĩa

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.