|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 4 đạt 32,7 điểm, sản lượng sản xuất giảm kỉ lục

08:00 | 04/05/2020
Chia sẻ
Dữ liệu tháng 4 cho thấy mức độ suy giảm mạnh hơn trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do tác động của đại dịch COVID-19. Mức độ suy giảm là chưa từng có trong hơn 9 năm thu thập dữ liệu.

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nghiêm trọng

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 32,7 điểm trong tháng 4, tức là đã giảm mạnh so với 41,9 điểm trong tháng 3, cho thấy một tháng suy giảm kỉ lục của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã xấu đi hơn trong suốt ba tháng qua.

PMI tháng 4 đạt 32,7 điểm, sản lượng sản xuất giảm kỉ lục - Ảnh 1.

COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề nhất lên sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất. Cả hai tham số này đều giảm nghiêm trọng trong tháng 4 khi các đơn hàng bị hủy và các công ty ngừng hoạt động.

Mức giảm của tổng số lượng đơn đặt hàng mới không mạnh bằng mức giảm của riêng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, cho thấy ảnh hưởng của virus lên các thị trường trên thế giới.

Khoảng hai phần ba số người trả lời khảo sát cho biết sản lượng giảm trong tháng. Trong điều kiện như vậy, tình trạng giảm được ghi nhận ở cả ba lĩnh vực được khảo sát, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian.

Việc thiếu các đơn đặt hàng mới dẫn đến giảm mạnh lượng công việc tồn đọng. Khối lượng công việc giảm khiến các nhà sản xuất giảm lực lượng lao động, trong khi cũng có một số báo cáo cho thấy tình trạng nhân viên nghỉ việc. Mức độ giảm việc làm là mạnh nhất từng được ghi nhận và đây là tháng thứ hai liên tiếp một mức thấp mới được ghi nhận.

Hoạt động mua hàng cũng giảm với mức độ đáng kể do số lượng đơn đặt hàng mới giảm, nhu cầu sản xuất giảm và các công ty ngừng hoạt động. Kết quả là tồn kho hàng mua đã giảm mạnh. Tồn kho thành phẩm cũng giảm, mặc dù mức độ giảm là chậm hơn so với tháng 3.

Giá cả đầu vào giảm lần đầu tiên trong 16 tháng

Trong khi đó, tình trạng nhập khẩu hàng hóa khó khăn, khan hiếm nguyên vật liệu và những trở ngại với hoạt động đi lại đã khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thêm nhiều nhất kể từ khi hoạt động khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.

Giá cả đầu vào trong tháng 4 đã giảm lần đầu tiên trong 16 tháng, với mức giảm đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 9/2015. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng chi phí đầu vào giảm là do thiếu nhu cầu hàng hóa đầu vào và giá dầu giảm.

Với chi phí đầu vào giảm, các công ty sản xuất tiếp tục giảm giá cả đầu ra, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành ba tháng. Tốc độ giảm gần đây nhất là mạnh và là nhanh nhất trong lịch sử khảo sát, tương đương với tốc độ giảm trong tháng 6/2012.

Lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát tính đến thời điểm này, các công ty đã có thái độ tiêu cực về triển vọng sản xuất trong năm tới. Tâm lí kinh doanh đã xấu đi khi có những lo ngại ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài. Khoảng 40% số người trả lời khảo sát cho rằng triển vọng là tiêu cực trong tháng 4.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: "Chỉ số PMI Ngành sản xuất Việt Nam mới nhất cho thấy ảnh hưởng nặng nề mà đại dịch COVID-19 và những nỗi lực ngăn chặn sự lây lan của nó gây ra cho lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Dữ liệu của tháng 4 cho thấy mức giảm chưa từng có của lĩnh vực sản xuất, dẫn đầu là sự suy giảm của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.

Việc tháng 4 có là tháng suy thoái tồi tệ nhất hay không sẽ tùy thuộc vào cách mà các công ty và khách hàng phản ứng với sự nới lỏng phong tỏa và mở cửa lại các doanh nghiệp đã tạm thời bị đóng cửa".

Thu Hoài