|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI Việt Nam đạt 50,6 điểm trong tháng 1, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện ở mức khiêm tốn

07:53 | 03/02/2020
Chia sẻ
Tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự cải thiện khiêm tốn về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải, nhưng sản lượng đã giảm và số lượng nhân công chỉ tăng nhẹ.

Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất vào đầu năm 2020 tiếp tục cải thiện ở mức khiêm tốn

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Purchasing Managers' Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei – một chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất trong tháng 1 vẫn ở mức cao hơn ngưỡng không thay đổi 50 điểm khi đạt mức 50,6 điểm sau khi đạt 50,8 điểm trong tháng 12 năm ngoái.

PMI Việt Nam đạt 50,6 điểm trong tháng 1, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện ở mức khiêm tốn - Ảnh 1.

Chỉ số này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất vào đầu năm 2020 tiếp tục cải thiện ở mức khiêm tốn.

Nhân tố hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh tổng thể là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng ở mức vừa phải.

Những người trả lời khảo sát cho thấy nhu cầu khách hàng tăng là nhân tố hỗ trợ tăng số lượng đơn đặt hàng mới lần thứ năm mươi trong năm mươi tháng qua.

Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng 12.

Sản lượng ngành sản xuất giảm trong tháng 1

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, sản lượng ngành sản xuất giảm trong tháng 1. Sản lượng đã giảm 4 tháng trong 5 tháng qua, nhưng tốc độ giảm vẫn là nhẹ.

Sự kết hợp của số lượng đơn đặt hàng mới tăng và sản lượng giảm đã làm cho một số công ty sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng các đơn đặt hàng mới.

Kết quả là, hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng. Mặc dù vậy, các công ty vẫn báo cáo tăng lượng công việc tồn đọng. Đây là lần tăng thứ 5 trong 5 tháng, mặc dù chỉ là nhẹ.

PMI Việt Nam đạt 50,6 điểm trong tháng 1, sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện ở mức khiêm tốn - Ảnh 2.

Số lượng nhân công tăng nhẹ trong tháng 1, với tốc độ tạo việc làm là chậm nhất trong thời kì tăng việc làm kéo dài ba tháng gần đây. Các nhà sản xuất đã mở rộng hoạt động mua hàng với tốc độ nhanh hơn một chút trong tháng 1.

Mặc dù mua hàng đầu vào tăng, tồn kho hàng mua hầu như không thay đổi khi một số người trả lời khảo sát hạn chế hàng tồn kho tương ứng với nhu cầu sản lượng thấp hơn.

Giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng, mặc dù mức tăng là vẫn chậm. Chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng và tình trạng khan hiếm nguồn cung được cho là nguyên nhân cho lần tăng mới đây.

Những vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu cũng góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp lần thứ hai liên tiếp, mặc dù mức độ chỉ là nhỏ.

Với chi phí đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra tương ứng. Giá bán hàng tăng được ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng khiêm tốn gần như ngang bằng với mức tăng trong tháng 12.

Mức độ lạc quan về triển vọng sản xuất 12 tháng vào đầu năm đã cải thiện và là mức cao nhất trong ba tháng. Thái độ tích cực chủ yếu phản ánh dự đoán số lượng đơn đặt hàng mới tăng và việc đưa ra các sản phẩm mới.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: "Chỉ số PMI mới nhất của Việt Nam tiếp tục cho thấy những tin tức tích cực về số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất, và lần tăng này đã kéo dài thời kì tăng thành 50 tháng.

Mặc dù vậy, các công ty có vẻ như có mức tăng sản lượng bị chững lại, từ đó họ muốn sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng.

Tuy nhiên, tình trạng này dường như sẽ thay đổi sớm nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục nằm trong kênh tăng.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có vẻ như sẵn sàng tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong năm 2020, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng ấn tượng trong toàn bộ nền kinh tế. IHS Markit dự báo sản xuất công nghiệp tăng 7,9% trong năm 2020".

Thu Hoài