Phương án tăng lương tối thiểu vùng: Tỷ lệ các bên đưa ra chênh lệch lớn
(Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của đại điện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động tiếp tục vênh nhau khá lớn. Đây là những thông tin ban đầu tại phiên họp đầu tiên bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức ngày 27/6.
Tại phiên họp lần này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng với mức tăng bình quân 13,3%. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lý giải hiện nay mức sống của người lao động rất khó khăn. Trong khi đó nhìn lại nền kinh tế năm 2017 đã có nhiều điểm sáng, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn so với số doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn so với năm 2016, GDP tăng 6%... đây chính là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề nghị mức tăng 13,3% lương tối thiểu vùng 2018.
Trái ngược với ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phía đại diện chủ sử dụng lao động đưa ra hai phương án: không tăng lương tối thiểu vùng hoặc tăng chỉ mức 2-3%, tối đa mức 4%. Lý do đại diện giới chủ đưa ra mức này là kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nếu tăng hơn sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp.
Để đưa ra thêm phương án tham khảo, Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu vùng năm tới: Phương án thứ nhất tăng từ 130.000-180.000 đồng, tỷ lệ tăng bình quân 5%; Phương án thứ hai tăng từ 160.000-220.000 đồng, tỷ lệ tăng bình quân tăng 6%; Phương án thứ ba tăng từ 180.000-250.000 đồng, với mức tăng bình quân 6,8%.
Phiên họp đầu tiên chỉ là phiên họp kỹ thuật để các bên đưa ra các phương án. Dự kiến, đầu tháng Bảy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chính thức họp để các bên thảo luận, tranh luận xung quanh các phương án mình đề xuất.