Phương án nuôi heo dự trữ trong doanh nghiệp liệu có khả thi?
Giá bán thấp hơn giá thành, chuyên gia đề xuất nuôi heo dự trữ trong doanh nghiệp
Dịch COVID-19 vừa lắng xuống, nhu cầu tiêu thụ thịt heo chưa kịp phục hồi đã tiếp tục vấp phải cơn bão lạm phát. Với giá bán 48.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.
Trong bối cảnh khó khăn này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Nhà nước tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con heo để chủ động trước các tình huống như giá heo hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng, không chăn nuôi làm giảm nguồn cung ra thị trường, từ đó gây biến động chỉ số CPI quốc gia.
“Nếu làm được điều này, Nhà nước sẽ không phải lo kho bãi dự trữ, trong khi Việt Nam chưa xây dựng hệ thống kho bãi dự trữ nguồn thực phẩm”, ông Nguyễn Trí Công nói.
Phân tích chi tiết về đề xuất này, ông Nguyễn Trí Công cho biết Nhà nước đang tạm trữ lúa gạo, tức là Nhà nước bỏ tiền ra mua lúa gạo của dân với giá sàn, đảm bảo cho người sản xuất có lãi hoặc ít nhất là hòa vốn thì việc dự trữ vật nuôi trong doanh nghiệp cũng tương tự.
Nhà nước chi một phần nhỏ ngân sách “đặt hàng” doanh nghiệp nuôi heo dự trữ, thay vì xây kho dự trữ tốn nhiều chi phí đầu tư và vận hành.
Các doanh nghiệp nuôi heo loại A theo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, trọng lượng khoảng 100-110kg. Nếu giá thành hiện nay ở mức 55.000 đồng/kg thì Nhà nước có thể thu mua với mức 58.000 – 60.000 đồng/kg.
Trường hợp giá heo bất ngờ tăng lên 70.000 – 80.000 đồng/kg, Nhà nước có thể huy động nguồn heo từ trong doanh nghiệp để đưa ra thị trường nhằm kìm hãm giá. Ở chiều ngược lại, việc nuôi heo dự trữ cũng sẽ giúp doanh nghiệp, trang trại có mức lợi nhuận ổn định, giá heo không bị xuống mức quá thấp.
“Đây là mối quan hệ win-win, cả nhà nước và người chăn nuôi đều có lợi”, ông Nguyễn Trí Công nói.
Ý tưởng tốt nhưng việc áp dụng sẽ khó khả thi
Bàn về đề xuất này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá đây là một ý tưởng có mục tiêu tốt, giao chỉ tiêu dự trữ cho doanh nghiệp có thể giúp bình ổn thị trường, các công ty chăn nuôi chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhà nước có thể kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng việc tổ chức và thực thi không phải dễ bởi dự trữ hàng hóa chỉ áp dụng với những mặt hàng đưa vào kho mà không làm mất đi giá trị của sản phẩm, không phát sinh thêm chi phí.
Mặt khác, chi phí cho dự trữ vật nuôi có thể sẽ là số tiền không nhỏ, gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Do vậy, ông Dương cho rằng dự trữ vật nuôi sống là giải pháp không khả thi.
Một yếu tố khác được chuyên gia này chỉ ra là thị trường 100 triệu dân của Việt Nam không phải quá lớn để cần dự trữ thịt heo, kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, chỉ cần thiếu một chút, thực phẩm nhập khẩu sẽ vào rất nhiều và nhanh.
Điển hình như năm 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi, nguồn cung thịt heo trong nước giảm mạnh, mở đường cho thịt heo nhập khẩu vào nước ta.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 141.000 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), tương đương 334,5 triệu USD, tăng 382% về lượng và tăng 503% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, Brazil, Nga, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam trong năm 2020.
Ngoài ra, đề xuất nuôi heo dự trữ trong doanh nghiệp cũng gợi liên tưởng đến việc dự trữ xăng dầu trong kho của doanh nghiệp. Sau giai đoạn thị trường xăng dầu rối loạn, Bộ Công Thương đã thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối và ghi nhận một số doanh nghiệp không dự trữ đủ như cam kết.
Nhìn từ câu chuyện dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng quản lý nhà nước về dự trữ vật nuôi sống sẽ khó hơn cả mặt hàng xăng dầu.
Cũng bàn luận về chuyện quản lý, ông Nguyễn Trí Công khẳng định rằng dự trữ vật nuôi là hợp đồng dân sự giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, trang trại, nếu đã ký cam kết mà không dự trữ thì doanh nghiệp sẽ bị truy tố. Ông Công tin rằng khi có cam kết với Nhà nước, các doanh nghiệp, trang trại đều sẽ thực hiện nghiêm túc.
Kiểm soát nhập khẩu, cơ cấu lại tỷ trọng thịt heo sẽ thực tế hơn
Thay vì dự trữ vật nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng ngành chăn nuôi có thể ổn định cung – cầu bằng cách kiểm soát lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam, cân đối quy mô tổng đàn cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường 100 triệu dân.
“Trong thời gian tới, nguồn cung thịt heo sẽ không chỉ đến từ nội địa, mà còn từ hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, tổng đàn 28,6 triệu con heo cần điều tiết lại bởi người tiêu dùng đang và sẽ không tiêu thụ nhiều thịt heo như trước nữa, mà sẽ tăng tiêu thụ gia cầm và gia súc ăn cỏ”, ông Dương nói.
Chiến lược ngành chăn nuôi đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thịt heo trong rổ thực phẩm của người Việt xuống còn 60%, thay vì 65-66% như hiện nay. Đồng thời tăng tỷ lệ thịt gia cầm lên 30% thay vì 26-27%, gia súc ăn cỏ lên 10%.