|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất nuôi heo dự trữ, phòng khi nông hộ bỏ chuồng, nguồn cung giảm

14:50 | 21/03/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp, trang trại lớn dự trữ vật nuôi, phòng khi nông hộ bỏ chuồng, nguồn cung giảm.

Giá heo hơi ba miền cập nhật ngày 21/3 đang ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40-45% so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Như vậy, giá mặt hàng này đã liên tục lao dốc kể từ tháng 7/2022.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết giá heo xuất chuồng đang rất thấp, có nơi đã về 45.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000-55.000 đồng/kg.

"Mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi”, ông Công nói.

Tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Trí Công  đề xuất Nhà nước tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con heo để chủ động trước các tình huống như giá heo hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng, không chăn nuôi làm giảm nguồn cung ra thị trường, từ đó gây biến động chỉ số CPI quốc gia.

“Nếu làm được điều này, Nhà nước sẽ không phải lo kho bãi dự trữ, trong khi Việt Nam chưa xây dựng hệ thống kho bãi dự trữ nguồn thực phẩm”, ông Nguyễn Trí Công nói.

Ý tưởng dự trữ thịt heo hiện đang được thực hiện tại Trung Quốc trong nhiều năm qua nhưng dưới dạng thịt đông lạnh. Kho dự trữ thịt heo chiến lược của Trung Quốc được hình thành từ cuối những năm 1970, ngay thời điểm Trung Quốc bắt đầu vực dậy trở lại sau một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Kho dự trữ này có vai trò đảm bảo nguồn cung trong nước và cũng đóng một phần vai trò trong điều tiết giá. Theo đó, khi giá thịt heo tăng, chính phủ sẽ “xả” kho dự trữ còn khi giá giảm thì sẽ mua vào. 

Lượng thịt heo trong kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc vẫn đang là ẩn số bởi nó được coi là bí mật quốc gia. Mặc dù mỗi lần “xả” - mua vào khoảng vài chục nghìn tấn, không quá nhiều so với lượng tiêu thụ của quốc gia tỷ dân, hoạt động này cũng tác động đến tâm lý thị trường, từ đó ảnh hưởng đến giá thịt heo tại từng thời điểm. 

Gỡ khó trong chăn nuôi tuần hoàn

Một vấn đề khác được ông Công đề cập trong diễn đàn là các doanh nghiệp đang hướng đến chăn nuôi bền vững, chăn nuôi tuần hoàn. Xu thế trên thế giới hiện nay là sử dụng thịt mát thay thế cho thịt nóng bởi thịt mát sẽ bảo quản tốt hơn, hạn chế được những vi sinh vật có hại. 

Do vậy, ông Công khuyến cáo các doanh nghiệp quản lý, giám sát hành trình của thực phẩm an toàn khi đưa ra thị trường và chủ động liên kết với các trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguồn nguyên liệu đầu vào sạch. 

Đối với cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trí Công cũng  đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là rác thải.

“Điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường”, ông Nguyễn Trí Công nói.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dẫn chứng mảng chăn nuôi bò hiện nay đang tăng trưởng ở mức cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… lại vướng bởi Luật Môi trường coi đây là chất thải.

Một ví dụ khác là Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy, phân hủy hết, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian, lên tới cả chục năm. 

Ông Nguyễn Trí Công kiến nghị dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.

Là thủ phủ chăn nuôi heo cả nước, tổng đàn khoảng 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai cũng đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đang phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen với nhiều công nghệ tiên tiến, tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón... Còn việc áp dụng phương pháp biogas trong xử lý chất thải lại còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh mới đạt 330.000 m2.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình nuôi heo hữu cơ, đồng thời sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ, tổng sản lượng phân khoảng 2 triệu tấn/năm.

Sau khi tỉnh Đồng Nai triển khai mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ông Trần Lâm Sinh nhận thấy khó khăn chủ yếu nằm ở các yếu tố liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, phát triển mô hình khai thác, tài chính khó khăn, công nghệ tái chế, quản lý môi trường và nguồn nhân lực, tốc độ thương mại hóa trên thế giới.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung nâng cao nhận thức người dân, năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị,...

Hoàng Anh