Phú Yên khởi công xây dựng hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Mũi nhọn thu hút đầu tư
Chuẩn bị kỹ càng
Không phải đến bây giờ, việc đầu tư cho Khu NNUDCNC mới được tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu làm mũi nhọn đột phá, mà từ khi được Chính phủ cho phép thành lập (năm 2013), tỉnh Phú Yên đã tập trung xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ những dự án tiên phong.
Vì vậy, theo ông Ngô Đình Thiện, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên, hiện đã có 7 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất, 2 dự án đang triển khai lập thủ tục đầu tư và 1 dự án đã có chủ trương đầu tư.
Phú Yên đặt mục tiêu thu hút nhiều nguồn vốn, nhân lực, công nghệ chất lượng cao trong và ngoài nước vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đức Thanh
Kết quả ban đầu này có được là nhờ vệt các hoạt động liên tục được tỉnh Phú Yên tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, chuẩn bị các điều kiện để đến thời điểm chín muồi tổng lực đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này thông qua nhiều hình thức hội thảo, hội nghị; tiếp xúc song phương cùng bắt tay hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu để chủ động đón đầu hỗ trợ các nhà đầu tư hiệu quả nhất khi các dự án đầu tư vào đây.
Một trong những hoạt động đem lại những kết quả thiết thực là tháng 4/2016, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và hợp tác các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà chủ trì đã thu hút gần 300 doanh nghiệp, đơn vị quản lý nhà nước các địa phương Bình Định, Quảng Ngãi; các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Đà Lạt, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.HCM… tham gia.
Tại đây, nhiều mô hình nuôi trồng, sản xuất và hỗ trợ sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp đã được các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu có tính khả thi cao khi được triển khai tại Phú Yên.
Đồng thời, cụ thể hóa những hỗ trợ, hợp tác trong việc ứng dụng công nghệ cao, Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên đã ký kết với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Trường Đại học Đà Lạt; doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc, các doanh nghiệp Nhật Bản, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Tỉnh Phú Yên cũng đã ký kết hợp tác với những địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này như Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM; tỉnh Lâm Đồng nhằm trao đổi, cung cấp thông tin và kinh nghiệm vận hành khu nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hợp tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bàn đạp để thu hút đầu tư
Những năm qua, dù đã có những cố gắng thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhưng Phú Yên chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất, hợp tác trong đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để khắc phục, nhiều năm trời, lãnh đạo địa phương này tập trung nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, thống nhất những nguyên tắc căn bản để xây dựng đề án hình thành và phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào đây sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cũng như hỗ trợ đầu tư theo quy định của Chính phủ với mức vận dụng có lợi nhất cho nhà đầu tư, như: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu.
Theo ông Ngô Đình Thiện, KNNUDCNC Phú Yên là nơi tập trung thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu nhằm hình thành KNNUDCNC với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Hiện, Ban quản lý KNNUDCNC Phú Yên phối hợp với các tổ chức nghiên cứu chọn tạo và nhân một số giống lúa mới chất lượng cao; quy hoạch Trại giống mía công nghệ cao diện tích 25 ha; ban hành danh mục đối tượng thực nghiệm, trình diễn, chuyển giao và sản xuất sản phẩm công nghệ cao đối với sắn, bông vải, rau an toàn, giống hoa, cây ăn quả, nấm, cây dược liệu; vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với 100 ha tại thị xã Sông Cầu nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn Global GAP; vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với quy mô 200 ha trồng cây dược liệu, cây ăn trái ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa…
Để KUDNNCNC thực sự là mũi nhọn đột phá, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Nghị quyết nhằm huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ; thu hút được nhiều nguồn vốn, nhân lực, công nghệ chất lượng cao trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.
Việc đầu tư hạ tầng chính là một trong những cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết của Tỉnh ủy đã chỉ đạo. Từ đây, Khu NNUDCNC tăng tốc thu hút đầu tư nhờ được hoàn thiện công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản; liên kết hợp tác và xúc tiến đầu tư sẽ được tăng cường; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông qua việc tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương.
Theo Hà Minh