|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các thương hiệu hàng xa xỉ có thể sẽ thất vọng

06:42 | 20/07/2023
Chia sẻ
Ngành công nghiệp hàng xa xỉ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc vào đầu tuần này, các doanh nghiệp có thể phải nghĩ lại.

Khách mua sắm đi ngang qua cửa hàng của thương hiệu xa xỉ ItalySalvatore Ferragamo tại Tiêm Sa Chủy, Hong Kong. (Ảnh: Reuters).

Mất đi bệ đỡ

Ngành công nghiệp hàng xa xỉ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Bắc Mỹ để có thể tăng trưởng trong những năm gần đây.

Song, số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc và báo cáo doanh số bán hàng đáng thất vọng từ Richemont, chủ sở hữu của thương hiệu trang sức Cartier, cho thấy cả hai thị trường có thể đang chững lại.

Theo Reuters, các thương hiệu xa xỉ lớn đã rót hàng triệu USD để tiếp cận khách hàng mới ở cả hai thị trường

Không chỉ “đóng quân” ở các trung tâm thương mại cao cấp truyền thống, họ còn mở thêm cửa hàng ở những khu vực như thành phố Vũ Hán và Trịnh Châu (Trung Quốc), hoặc Charlotte và Nashville (Mỹ).

Sức mua của người tiêu dùng Mỹ, vốn từng khá mạnh trong đại dịch, đã có dấu hiệu giảm sút. Giờ đây, nhà đầu tư đặt hy vọng vào khách mua sắm Trung Quốc để duy trì giai đoạn thăng hoa kéo dài hàng tháng của ngành hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong quý II khi chỉ tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính của giới phân tích.

Sau khi Bắc Kinh công bố số liệu GDP vào đầu tuần này, một loạt ngân hàng lớn gồm JPMorgan, Morgan Stanley và Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Trung Quốc.

 

Cũng vào đầu tuần, Richemont (có trụ sở tại Thụy Sỹ) cho biết doanh số bán hàng trong quý II năm nay không đạt như kỳ vọng. Doanh số ở châu Mỹ giảm 4% và số liệu của châu Á cũng gây thất vọng.

Kết phiên 17/7, giá cổ phiếu của Richemont sụt 10,43%, trong khi ba ông lớn hàng xa xỉ khác là Hermes giảm 4,21%, LVMH đi xuống 3,7% và Kering mất 1,95%.

Các nhà phân tích tại Citi dự đoán sau cuộc trao đổi cùng các giám đốc cấp cao của Richemont rằng nhu cầu của Trung Quốc “sẽ không phục hồi theo mô hình chữ V mà sẽ mất nhiều năm...ở cả trong và ngoài nước”.

Báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp hàng xa xỉ như LVMH và Chanel cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số ở Bắc Mỹ đã chững về mức một con số, sau khi mở rộng ở mức hai con số trong phần lớn năm 2021 và 2022.

Doanh số tại Bắc Mỹ của Kering và Ferragamo đã sụt giảm ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái vào quý I năm nay.

Theo giới phân tích, liệu các công ty kinh doanh hàng xa xỉ có thể bù đắp sự suy yếu của thị trường Mỹ hay không phụ thuộc vào việc nhu cầu nội địa và du lịch của người dân Trung Quốc phục hồi như thế nào trong nửa cuối năm nay.

 

Điểm nhức nhối Trung Quốc

Giám đốc của các thương hiệu xa xỉ đang kỳ vọng vào sự trở lại của Trung Quốc để thúc đẩy toàn ngành hàng này tăng trưởng dương trong cả năm 2023 - có thể là khoảng 5% theo ước tính của Bain.

Nhóm khách hàng mục tiêu của các thương hiệu cao cấp thường là những người tiêu dùng giàu có, ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi tiêu cực trong môi trường kinh tế vĩ mô.

Tại thị trường tỷ dân, đồ trang sức đang dần trở thành nhóm sản phẩm có nhu cầu lớn nhất, vượt xa giày dép, đồ da và quần áo. Ngoài ra, đồng hồ hàng hiệu cũng ghi nhận doanh số tốt.

Đối với nhóm hàng phụ kiện và quần áo, Chanel, Dior và Balenciaga là các thương hiệu có doanh số tăng mạnh nhất trong quý gần đây nhất.

Theo công ty tư vấn BCG, người tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc hiện trẻ hơn so với phần còn lại của thế giới.

Độ tuổi trung bình của các khách hàng giàu có tại đất nước tỷ dân là 28 và đây được cho là yếu tố tích cực cho tăng trưởng trong tương lai của các thương hiệu đắt tiền.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã tăng từ mức 20,8% hồi tháng 5 lên 21,3% vào tháng 6, xác lập kỷ lục mới. Điều này có thể khiến ngành hàng xa xỉ khó tìm kiếm thêm khách hàng mới.

Giám đốc Amrita Banta tại công ty chuỗi cung ứng Agility đánh giá: “Ở Trung Quốc, ngành hàng xa xỉ dường như đang vượt trội hơn so với thị trường tiêu dùng nói chung nhưng hầu hết người dân đều cảm thấy bất an [về triển vọng kinh tế]”.

Khả Nhân