|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phố Wall trong đại dịch: Điều bất khả thi thành chuyện thường ngày ở huyện

06:35 | 26/08/2021
Chia sẻ
Một bài học từ đà tăng không ngừng nghỉ của thị trường chứng khoán Mỹ trong đại dịch là đôi khi các quy tắc không có nghĩa lý gì.
Phố Wall trong đại dịch: Điều bất khả thi thành chuyện thường ngày ở huyện - Ảnh 1.

(Ảnh mimh họa: Getty Images/Shutterstock/AP).

Lịch sử không lặp lại

Bất chấp những bộ óc nhanh nhạy và công nghệ tiên tiến tập trung ở Phố Wall, có những lúc mà dường như không ai hiểu chuyện gì đang diễn ra. Trong một năm rưỡi qua, bài học lớn nhất và "muối mặt" nhất của Phố Wall có lẽ là: Trí khôn tích lũy của cộng đồng đầu tư chuyên nghiệp có thể biến mất trong nháy mắt.

Ông Steve Chiavarone, nhà quản lý tại công ty đầu tư Federated Hermes chia sẻ: "Nếu tháng 3 năm ngoái có người nói rằng 18 tháng sau số ca nhiễm hàng ngày của Mỹ không thuyên giảm, nhưng thị trường vẫn bật tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, thì tôi sẽ cười vào mặt gã ấy".

Vậy nên một trong những bài học quý giá nhất ông Chiavarone rút ra được là phải luôn khiêm nhường: "Ngay cả nếu bạn có thể dự đoán đại dịch, chưa chắc bạn đã đoán đúng về thị trường".

Phố Wall trong đại dịch: Điều bất khả thi thành chuyện thường ngày ở huyện - Ảnh 2.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy các dự báo trong đại dịch đi chệch hướng nhiều đến mức nào. Trong vòng 5 quý qua, trung bình lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 cao hơn suy nghĩ của các nhà phân tích tới hơn 19%. Trước đại dịch, con số này chỉ là 3%. 

Sự chênh lệch trên cho thấy khi thị trường rơi xuống đáy vào tháng 3, một trong những trụ cột nền tảng của định giá cổ phiếu là P/E – điểm của chỉ số so với thu nhập dự kiến của doanh nghiệp – khiến chứng khoán Mỹ có vẻ đắt hơn 1/5 giá trị thực tế.

Có lẽ điều này giúp giải thích vì sao nhà đầu tư đẩy chứng khoán Mỹ lên cao nữa, cao mãi, bất chấp các thước đo định giá cho thấy giá cổ phiếu đang đắt đỏ hơn bao giờ hết. 

Ngay cả những lão tướng đã chinh chiến với bong bóng công nghệ 2000 và khủng hoảng tài chính 2008 cũng bị sốc và bẽ mặt trước những gì xảy ra trong đại dịch.

Ông Julian Emanuel, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại công ty môi giới BTIG đã lăn lộn 30 năm trên Phố Wall. Trước khi đại dịch ập đến, ông nghĩ thị trường chẳng còn điều gì có thể khiến ông bất ngờ được nữa.

Nhưng bây giờ, ông Emanuel không biết mình nên làm gì. Thị trường chứng khoán Mỹ thì bùng nổ còn thị trường trái phiếu cũng hành động khác hoàn toàn với những gì sách vở và lịch sử chỉ dạy.

Ông Emanuel chỉ ra rằng giá sản xuất đang leo lên nhanh nhất trong 13 năm và nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ hàng năm 6,2% - gần gấp ba lần tăng trưởng trong thập kỷ trước đại dịch.

Trong môi trường tăng trưởng cao kiểu này, thường thì người ta sẽ chứng kiến trái phiếu bị bán tháo mạnh, lợi suất tăng vọt để bắt kịp với lạm phát và các cơ hội đầu tư sẵn có.

"Ai mà có thể tưởng tượng rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại là gần 1,2%? Điều hoàn toàn không thể xảy ra lại trở thành chuyện thường ngày", ông Emanuel kinh ngạc.

Điều này khiến ông Emanuel nhận ra một bài học quan trọng khác: Động lực của cộng đồng đầu tư cũng quan trọng không kém yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong những năm qua, ý tưởng bất chợt của nhà đầu tư nhỏ lẻ không được coi là yếu tố tác động quan trọng đối với hầu hết cổ phiếu hay thị trường nói chung. Nhưng điều này đã thay đổi trong đại dịch, vì sự kết hợp của hàng loạt sự kiện: Cuộc chiến giá cả giữa các công ty môi giới cuối năm 2019 đẩy phí giao dịch xuống 0, đúng lúc lệnh phong tỏa tạo ra thặng dư thời gian và tiền bạc để người Mỹ bước chân vào thị trường.

Trước đại dịch, số lượng cổ phiếu được giao dịch của khách hàng tại các công ty môi giới lớn tập trung vào nhà đầu tư nhỏ lẻ là 700 triệu đơn vị mỗi ngày. Đến đầu năm 2021, con số này đã tăng lên thành 2,9 tỷ cổ phiếu, chiếm gần 1/4 khối lượng giao dịch toàn thị trường, theo Bloomberg Intelligence.

Hoạt động giao dịch quyền chọn của nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng hơn gấp đôi. Được cổ vũ bởi các tiếng nói lớn trên mạng xã hội, đội quân day trader (nhà giao dịch hàng ngày) thường xuyên thổi giá cổ phiếu những công ty sắp phá sản.

Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ mới khác với bất kỳ điều gì ông Emanuel từng chứng kiến. Ông nói: "Cộng đồng đầu tư đã trở thành con ngựa bất kham. Nếu bạn ngó lơ cộng đồng đầu tư, bạn đang tự đặt mình vào vị thế rủi ro".

Một triệu câu chuyện, một ý chính

Dĩ nhiên, những lực lượng cũ cũng hoạt động rất tích cực: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đổ hàng nghìn tỷ USD vào thị trường, nâng đỡ giá trái phiếu, giữ cho lãi suất thấp và khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn.

Đối với ông Paul Nolte, nhà quản lý danh mục tại Kingsview Investment Management, điều quan trọng rút ra được là từ nay về sau, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ vai trò lớn hơn trên thị trường.

Còn đối với ông Peter Mallouk, CEO công ty quản lý tài sản Creative Planning, bài học chủ chốt từ thời đại COVID-19 là không bao giờ đánh mất bức tranh tổng quát vì quá để ý đến tiểu tiết.

Ông Mallouk nói: "Năm ngoái, câu chuyện rất đơn giản. Chúng ta có thể nói về hàng triệu thứ, nhưng điều quan trọng duy nhất là COVID-19 – tỷ lệ tử vong và khả năng đối phó của nước Mỹ. Mọi câu chuyện khác cũng chỉ bắt nguồn từ COVID-19".

Một tình tiết phụ khác từ đại dịch đối với ông Mallouk: "Vì COVID-19, tất cả mọi người đều nhận được séc". Chủ doanh nghiệp nhỏ được cấp khoản vay từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương. Công ty lớn thì được trợ cấp lớn hơn. Cá nhân được gửi các tấm séc cứu trợ. Người mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp bổ sung.

"Và mọi người đã làm gì với số tiền đó? Họ mua các loại sản phẩm", ông Mallouk nói trao đổi với Bloomberg.

Theo ông Mallouk, tiền hỗ trợ lớn chưa từng có từ chính phủ là nguyên nhân tạo ra một số ý tưởng điên rồ nhất trong thời đại COVID-19, ví dụ như NFT, tiền mã hóa và cổ phiếu meme.

Đến một thời điểm nào đó, thị trường sẽ tự chấn chỉnh các rắc rối khi số tiền dư thừa giảm dần. Ông Mallouk khẳng định: "Chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn này, nhưng đó là điều sẽ xảy ra, và đó là bức tranh lớn đang thúc đẩy mọi thứ".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.