|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Fed chưa cắt hỗ trợ, thanh khoản chứng khoán Mỹ đã bắt đầu bay hơi

10:25 | 12/08/2021
Chia sẻ
Khoảng cách giữa tăng trưởng cung tiền và GDP Mỹ hiện đã xuống dưới 0. Khi hiện tượng này xảy ra vào năm 2010 và 2018, thị trường chứng khoán Mỹ đã gặp rắc rối lớn.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ đang bốc hơi trước cả khi Fed cắt giảm hỗ trợ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Một thước đo về tính thanh khoản từng báo trước hai lần hỗn loạn lớn trên trên thị trường chứng khoán Mỹ đang phát đi dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý. Nói một cách đơn giản, chỉ báo này là khoảng cách giữa tốc độ tăng cung tiền và GDP –được biết đến với tên gọi Marshallian K.

Lần đầu tiên kể từ năm 2018, chỉ báo Marshallian K vừa chuyển sang giá trị âm, có nghĩa là GDP đang tăng nhanh hơn cung tiền M2 của chính phủ. Nguyên nhân là nền kinh tế phục hồi đang nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn tiền sẵn có của Mỹ, Bloomberg cho biết.

Sự thiếu hụt có thể trở thành rắc rối đối với thị trường, đặc biệt là trong thời điểm thanh khoản thừa thãi được cho là nguyên nhân đằng sau đà tăng vũ bão của các tài sản tài chính, từ bitcoin cho đến cổ phiếu meme.

Ông Doug Ramsey, Giám đốc đầu tư của Leuthold Group viết trong lưu ý tuần trước: "Nói cách khác, trước đây một mình thị trường chứng khoán được "húp bát canh" cung tiền, giờ đây phải san sẻ bát canh đó cho nền kinh tế thực đang hồi phục".

Mối đe dọa này lớn đến đâu?

Chỉ báo Marshallian K giảm xuống dưới 0 vào 2010, năm mà chỉ số S&P 500 xảy ra đợt điều chỉnh 16%. Lần sụt giảm tương tự của chỉ báo này vào năm 2018 báo trước đợt bán tháo suýt nữa đã giết chết thị trường giá lên dài nhất lịch sử bắt đầu từ năm 2009.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ đang bốc hơi trước cả khi Fed cắt giảm hỗ trợ - Ảnh 2.

Nghiên cứu của Leuthold Group là lời cảnh báo mới nhất đến triển vọng của thị trường từ khía cạnh thanh khoản. Nhưng không phải ai cũng lo lắng. Tháng 6, nghiên cứu từ UBS Group cho thấy nếu Cục dự trữ liên bang (Fed) thắt chặt chi tiêu cho nới lỏng định lượng trị giá 1.400 tỷ USD hàng năm thì S&P 500 cũng chỉ giảm 3%.

Năm 2013, khi thông báo của Fed về việc cắt giảm kích thích dẫn đến việc nhà đầu tư đua nhau bán tháo, chỉ số S&P 500 thoái lui gần 6% so với đỉnh hồi tháng 5 cùng năm. Nhưng chứng khoán hồi phục hoàn toàn chỉ sau vài tuần và kéo chỉ số S&P 500 đi lên 30% trong cả năm 2013.

Nhưng những người hoài nghi nhanh chóng chỉ ra sự khác biệt lớn giữa hiện tại và quá khứ: định giá cổ phiếu.

Ông Matt Maley, Giám đốc đầu tư của công ty cố vấn Miller Tabak + Co nói trên chương trình của Bloomberg: "Năm 2013, hệ số P/E chung của thị trường là 15x. Hiện giờ là 22x. Thị trường sẽ khó mà lờ đi thanh khoản yếu ớt lần này".

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ đang bốc hơi trước cả khi Fed cắt giảm hỗ trợ - Ảnh 3.

Cho đến nay, sự suy giảm thanh khoản được thể hiện bởi dữ liệu Marshallian K đã không gây ra mấy thiệt hại đến thị trường, ít nhất là ở cấp độ chỉ số. Chỉ số S&P 500 sắp ghi nhận tháng thứ 7 đi lên liên tiếp, phá kỷ lục gần như mỗi tuần.

Nhưng Giám đốc đầu tư Ramsey của Leuthold kêu gọi nhà đầu tư không nên mất cảnh giác. Tuy thị trường chung năm 2021 đang rất mạnh mẽ, nhưng số cổ phiếu tiến lên cùng đà chung đã ít đi. Ông Ramsey cho rằng lỗi có thể thuộc về thanh khoản giảm, và thời kỳ tiền tràn ngập thị trường nhiều khả năng đã kết thúc.

Chỉ báo Marshallian K vừa rơi xuống vùng tiêu cực nhanh hơn bao giờ hết. Trong quý II, cung tiền M2 tăng 12,7% so với một năm trước, thua kém tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa là 16,7%. Ngược lại, trong 4 quý trước, thanh khoản rất thừa thãi, tốc độ tăng của M2 cao hơn GDP đến 20 điểm %. 

Ông Ramsey nói: "Chỉ báo Marshallian K cho thấy thanh khoản không chỉ vơi bớt mà thực sự đang cạn đi – vào thời điểm mà định giá cao hơn bao giờ hết. Nếu Fed thực sự có thể giảm bớt nới lỏng định lượng vào năm sau mà không khiến thị trường vấp ngã, thì đó sẽ là cả một kỳ tích. Nhưng chúng tôi sẽ đầu tư theo kịch bản khả thi thay vì chuyện viễn tưởng". 

Giang