Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng đen khu vực Tây Nguyên còn diễn biến phức tạp
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: SBV).
Sáng nay (8/3), NHNN đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.
Tính đến cuối tháng 2/2019, dư nợ tín dụng cho khu vực Tây Nguyên ước đạt 325.750 tỉ đồng, chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc. Trong đó dư nợ phục vụ các nhu cầu đời sống đạt 42.282 tỉ đồng, dư nợ nông nghiệp, nông thôn ước đạt 197.123 tỉ đồng.
Riêng Ngân hàng Chính sách đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng cho 525.000 hộ gia đình, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại ngân hàng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiếp tục bàn rất cụ thể cách triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Với chức năng quản lí Nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, ngành ngân hàng được chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen.
Trong đó, các giải pháp cụ thể được đưa ra như: hoàn thiện khung khổ pháp lí nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen;...
Đồng thời, cần sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng và cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.