|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phó Chủ tịch UBCKNN: Mặt bằng giá chứng khoán cao tạo rủi ro khi thị trường điều chỉnh

22:26 | 04/06/2021
Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, khi thị trường chứng khoán duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua dễ tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Do vậy, nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng.

Nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng

Trong thời gian qua, mức độ quan tâm của nhà đầu tư dành cho thị trường chứng khoán rất lớn, bằng chứng là chỉ tính riêng trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán, ghi nhận con số kỷ lục từ trước tới nay.

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tính đến cuối tháng 5, Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 3,2% tổng dân số.

Dòng tiền vào thị trường rất mạnh trong thời gian qua không chỉ đến từ các dòng tiền mới mà còn bao gồm dòng tiền cho vay ký quỹ (margin). Tính đến ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường khoảng 112.100 tỷ đồng, tăng 31.200 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ đồng so với cuối quý I/2021. 

Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu) trong thời gian gần đây. 

Theo Phó Chủ tịch UBNCKNN, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên khi con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường.

Ông Sơn cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trưởng cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng của thị trường này. Tuy nhiên, thị trường duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý và các thành viên thị trường.

Phó Chủ tịch UBCKNN: Nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng đối với thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam).

"Bên cạnh những điểm tích cực, thị trường chứng khoán cũng đang đối mặt với những nguy cơ lớn, đầu tiên là đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu.

Diễn biến của thị trường chứng khoán về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh", ông Phạm Hồng Sơn nhận định.

Do vậy, Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro. Những yếu tố rủi ro vĩ mô cần được theo dõi kỹ lưỡng, đánh giá sâu bởi thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Ưu tiên xử lý vấn đề nghẽn lệnh của HOSE

Liên quan đến vẫn đề nghẽn lệnh xảy ra tại HOSE, ông Phạm Hồng Sơn cho biết đến nay hệ thống đã có tiến triển tốt khi HOSE và các thành viên công ty chứng khoán cùng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.

"HOSE và các đơn vị liên quan đang triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.

Tuy nhiên, từ nay đến khi hệ thống phối hợp với FPT xây dựng đi vào vận hành, việc đảm bảo cho hệ thống hiện tại của HOSE giao dịch không bị gián đoạn vẫn là ưu tiên hàng đầu, các giải pháp cấp bách sẽ áp dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể cho hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE", Phó Chủ tịch UBCKNN cho hay.

Từ cuối năm 2020, hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã phát sinh lỗi nghẽn lệnh và đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động mua bán chứng khoán của nhà đầu tư.

Phía UBCKNN và HOSE đã áp dụng nhiều giải pháp cấp bách như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE,…

Song, hệ thống hoạt động tương đối ổn định trong thời gian ngắn thì đến cuối tháng 5 vừa qua, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, hiện tượng nghẽn lệnh đã tái diễn và thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của HOSE.

Trước tình hình đó, HOSE buộc phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều ngày 1/6 để đảm bảo an toàn chung cho toàn hệ thống.

Trong phiên giao dịch ngày 2/6, hàng loạt công ty chứng khoán đã cắt tính năng sửa, hủy lệnh đối với cổ phiếu niêm yết ở HOSE để giảm tải cho hệ thống của HOSE. Điều này đồng nghĩa với việc lệnh đã được gửi đi sẽ có hiệu lực cho đến khi khớp hoặc hết phiên.

Việc nhà đầu tư không được sửa, hủy lệnh một mặt giúp giảm tải cho hệ thống của HOSE, mặt khác khiến nhà đầu tư giảm sức mua, phải dừng giao dịch hoặc gánh thêm rủi ro nếu lệnh ban đầu không khớp, kẹt hàng.

Ngọc Anh