|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phó Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đăng ký bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu PDR

20:39 | 27/02/2023
Chia sẻ
Dự kiến sau giao dịch, Phó Chủ tịch Bất Động sản Phát Đạt sẽ còn lại hơn 1,4 triệu cổ phiếu PDR, tương đương 0,21% vốn điều lệ công ty.

Phó Chủ tịch HĐQT Trần Thị Hường (đứng thứ 3 từ phải qua) tại đại hội cổ đông năm 2020 của Phát Đạt. (Ảnh: PDR).

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), bà Trần Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), vừa đăng ký bán 1.245.311 cổ phiếu PDR trong thời gian từ 2/3 đến 31/3.

Phương thức giao dịch có thể là thỏa thuận hoặc/và khớp lệnh. Mục đích bán ra là “tái cơ cấu danh mục đầu tư”.

Hiện nay bà Hường đang sở hữu hơn 2,66 triệu cổ phiếu PDR, tương đương tỷ lệ nắm giữ 0,4%. Dự kiến sau khi bán ra như đăng ký, Phó Chủ tịch Phát Đạt sẽ còn lại hơn 1,4 triệu đơn vị PDR, ứng với 0,21% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Kết phiên hôm nay 27/2, cổ phiếu PDR giảm 3,3% còn 10.200 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, bà Trần Thị Hường sẽ thu về 12,7 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn nói trên.

 

 Giá cổ phiếu PDR hiện thấp hơn 86% so với đỉnh lịch sử thiết lập vào năm 2021.

Bà Hường sinh năm 1961 tại Quảng Ngãi, có bằng cử nhân kinh tế chuyên ngành tài chính kế toán. Từ tháng 3/2006 đến tháng 2/2009, bà Hường là Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của Phát Đạt. Từ năm 2009 đến 2012, bà là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Phát Đạt. Từ 2013, bà là Phó Chủ tịch HĐQT. 

Cổ đông lớn nhất của Phát Đạt hiện nay là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt với tỷ lệ sở hữu hơn 42%, tương ứng với 283 triệu đơn vị PDR. Mới đây hôm 13/2, ông Nguyễn Văn Đạt đã bán gần 5,3 triệu cổ phiếu PDR. Theo giải trình của vị chủ tịch này, lý do thực hiện giao dịch là: “Công ty chứng khoán bán giải chấp, do hiểu nhầm trong quá trình trao đổi thông tin với nhân viên của ông Nguyễn Văn Đạt”.

Phát Đạt từng dự định chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/2 để tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào tháng 3/2023 nhưng mới đây đã hủy ngày chốt quyền này. Thời gian tổ chức đại hội sẽ được công bố sau.

 

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.