|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 6/10: Khối ngoại quay lại bán ròng hơn 570 tỷ đồng trên cả ba sàn, tâm điểm vẫn là HPG

16:05 | 06/10/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index bứt phá vượt mốc 1.360 điểm, khối ngoại quay lại bán ròng trên toàn thị trường, trong đó rút ròng 531 tỷ đồng tại HOSE. Nhóm này duy trì xu hướng rút vốn mạnh nhất khỏi cổ phiếu HPG trong suốt 3 phiên giao dịch gần đây.

Sau khi quay lại lấp gap vào cuối phiên sáng, VN-Index thiết lập các nhịp tăng gối đầu và dần mở rộng đà tăng tích cực về cuối phiên chiều. Với việc lấy lại xung lực tăng điểm, chỉ số đã thành công vượt cản tại 1.360 điểm nhờ ảnh hưởng tích cực nhất từ nhóm dầu khí và bất động sản.

Kết phiên, VN-Index tăng 8,19 điểm (0,6%) lên 1.362,82 điểm, HNX-Index tăng 1,97 điểm (0,54%) lên 368,47 điểm, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,5%) lên 97,38 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt gần 23.560 tỷ đồng, tương đương hơn 835,4 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt gần 19.437 tỷ đồng, tương đương phiên giao dịch hôm trước.

Trên sàn HOSE, khối ngoại quay lại bán ròng hơn 531 tỷ đồng khi không còn giao dịch gom mua đột biến. Về khối lượng, nhóm này rút ròng hơn 12,6 triệu đơn vị.

Phiên 6/10: Khối ngoại quay lại bán ròng hơn 570 tỷ đồng trên cả ba sàn - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu chiều bán ròng vẫn là "anh cả" ngành thép - HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Khối ngoại đã liên tục chốt lời HPG trong 3 phiên liên tiếp và tiếp tục bán ròng 174 tỷ đồng trong ngày 6/10. Tuy vậy lực cầu đối ứng mạnh giúp cổ phiếu này tăng 1,45% và nằm trong top5 mã ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số.

Dòng vốn ngoại theo sau đẩy mạnh rút ròng 135,5 tỷ đồng khỏi cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va. Theo sau một số cổ phiếu nhóm bất động sản cũng bị bán ròng như KBC (28,9 tỷ đồng), VIC (23,7 tỷ đồng).

Việc mất đi vị trí dẫn dắt của nhóm cổ phiếu "vua" khiến nhóm này cũng góp mặt trong danh mục bán ròng của nhà đầu tư khối ngoại với CTG (54,3 tỷ đồng) và MBB (21,4 tỷ đồng). Nối tiếp, một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch rút ròng phải kể đến SSI, GMD, GEX, DGC...

Phiên 6/10: Khối ngoại quay lại bán ròng hơn 570 tỷ đồng trên cả ba sàn - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Mặc dù đánh mất sắc xanh và đảo chiều giảm nhẹ, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong vẫn duy trì vị trí dẫn đầu chiều mua với quy mô mua ròng 115,1 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được mua gom trên trăm tỷ đồng trong phiên 6/10.

Kế tiếp, dòng vốn ngoại cũng tập trung tại cổ phiếu VHM của Vinhomes (45,2 tỷ đồng). Giao dịch tích cực trong tuần giúp VHM có thêm 4,55% sau khi giảm về vùng đáy 77.000 đồng/cp. Các mã được mua ròng tiếp theo còn có DCM (34,5 tỷ đồng), DHC (28,4 tỷ đồng), VND (21,6 tỷ đồng), trước khi tập trung dưới 10 tỷ đồng tại một số cổ phiếu như GAS, NBB, HDG, HT1, TNH...

Tại sàn HNX, các nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ròng về giá trị hơn 6,5 tỷ đồng. Tuy vậy, nhóm này vẫn mua ròng về khối lượng với 312.419 đơn vị cổ phiếu.

Mặc dù chỉ bị bán ròng 45.000 đơn vị nhưng cổ phiếu THD của Thaiholdings vẫn dẫn đầu về giá trị rút ròng với 10,2 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng 7,2 tỷ đồng cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, theo sau bởi IDJ (2,1 tỷ đồng), VNR (2 tỷ đồng) và PGS (1,6 tỷ đồng).

Tại chiều mua, giao dịch tích cực nhất xuất hiện ở mã PVI với 14,9 tỷ đồng. Theo thông tin từ PVI, cổ đông lớn HDI Global SE đã đăng ký mua thêm 7,3 triệu cp PVI từ ngày 27/9 đến 26/10. Mã CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O cũng được khối ngoại mua gom 4,1 tỷ đồng, theo sau bởi PVG (706 triệu đồng), CMS (300 triệu đồng)...

Tại thị trường UPCoM, giao dịch tiếp tục nghiêng về chiếu bán khi khối ngoại tiếp tục xả ròng 36,7 tỷ đồng, tương đương 536.074 đơn vị.

Giá trị bán ròng lớn nhất thuộc về cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi với 22,5 tỷ đồng. Theo thống kê khối ngoại đã liên tục xả ròng QNS trong 8 phiên. Nhóm này theo sau rút ròng khỏi NTC (12,5 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng), ABI (1,8 tỷ đồng), BSR (1,1 tỷ đồng).

Ngược lại, lực cầu trên 1 tỷ đồng chỉ tập trung tại VTP của Viettel Post (2,6 tỷ đồng) và cổ phiếu CLX của Cholimex (1,1 tỷ đồng). Nối tiếp, khối ngoại chỉ mua ròng dưới 1 tỷ đồng một số cổ phiếu như ACV, NED, TCI, VEA...

Thảo Bùi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.