|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 3/3: Khối ngoại mua ròng gần 600 tỷ đồng trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.505 điểm

17:19 | 03/03/2022
Chia sẻ
Với việc VN-Index đảo chiều lấy lại mốc 1.505 điểm, giao dịch khối ngoại cũng trở nên tích cực khi nhóm này trở lại mua ròng khoảng 580 tỷ đồng trên toàn sàn. Trái ngược phiên trước, dòng tiền ồ ạt trở lại mua gom nhóm hóa chất, bất động sản, ngân hàng.

Sau khi quay đầu hạ nhiệt vào cuối phiên sáng, lực cầu tập trung vào nhóm bluechips trong suốt phiên chiều đã kéo VN-Index bật tăng trở lại. Điều bất ngờ tiếp tục đến trong phiên ATC khi nhóm bank đồng loạt được kéo mạnh, qua đó giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên, dừng chân tại mốc 1.505 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 19,48 điểm (1,31%) lên 1.505 điểm, HNX-Index tăng 7,06 điểm (1,6%) đạt 449,31 điểm, UPCoM-Index tăng 1,39 điểm (1,24%) lên 113,19 điểm.

Thanh khoản thị trường theo đó cũng tăng vọt với tổng giá trị giao dịch đạt trên 36.200 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE thì thanh khoản tương đương phiên trước với gần 30.163 tỷ đồng.

Phiên 3/3: Khối ngoại mua ròng trên toàn sàn trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.505 điểm - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Tại sàn HOSE, giao dịch khối ngoại có sự đảo chiều liên tục trong những phiên gần đây khi nhóm này trở lại mua ròng 540 tỷ đồng, tương đương 10,88 triệu đơn vị cổ phiếu. Trái ngược phiên trước, dòng tiền trở lại mua gom nhóm hóa chất, bất động sản, ngân hàng.

Phiên 3/3: Khối ngoại mua ròng trên toàn sàn trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.505 điểm - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại chiều mua, dòng tiền ngoại tập trung ở những mã được giao dịch tích cực khi sắc xanh lan tỏa tại 9 trong số 10 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong phiên.

Cụ thể, quy mô mua ròng mạnh nhất được ghi nhận ở cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Mã này được gom ròng 87,2 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với phiên trước đó. Cùng chiều, DCM của Đạm Cà Mau cũng được mua ròng 67 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các mã thu hút lực cầu nhẹ hơn lần lượt là STB (63,2 tỷ đồng), KBC (54,7 tỷ đồng), NLG (49,6 tỷ đồng), GEX (47,6 tỷ đồng)...

Là tâm điểm dẫn dắt thị trường khi đóng góp hơn 3,6 điểm tăng cho VN-Index, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng được mua ròng 62 tỷ đồng, tương tự với phiên trước. Theo sau, NKG của Nam Kim cũng được mua gom 44,4 tỷ đồng.

Phiên 3/3: Khối ngoại mua ròng trên toàn sàn trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.505 điểm - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều bán, quy mô bán ròng có sự thu hẹp đáng kể khi khối ngoại có động thái xả ròng 44,2 tỷ đồng cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1. Trước đó, cổ đông lớn DFJV đã đăng ký bán hơn 3 triệu cp YEG từ ngày 22/2 đến 23/3 nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Mặc dù rót ròng vào nhóm bất động sản, nhà đầu tư ngoại lại chốt lời 39 tỷ đồng cổ phiếu VIC và 11,5 tỷ đồng DIG, Nối tiếp, danh mục bán ròng của khối ngoại có sự xuất hiện của một số đại diện nhóm vốn hóa lớn như PVT (33 tỷ đồng), VNM (21,5 tỷ đồng), CTG (14,4 tỷ đồng),...

Tương tự, trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại tiếp đà mua ròng 25,6 đồng, tương đương 246.788 đơn vị và tăng mạnh so với phiên trước.

Ở chiều mua, IDC của Tổng Công ty IDICO tiếp tục thu hút phần lớn lực cầu với 31,95 tỷ đồng, gấp đôi phiên giao dịch liền trước. Nối tiếp, lực cầu ngoại tìm đến PVG (2,1 tỷ đồng), PLC (2 tỷ đồng) và SCI (1,4 tỷ đồng), trước khi mua nhẹ hơn các mã NET, CEO, C92...

Mặc dù lực xả hàng chục phiên vẫn chưa dừng lại, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG chỉ còn bị chốt lời 7,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mã bị bán ròng lần lượt còn có SHS (1,3 tỷ đồng), BVS (1 tỷ đồng), SD6 (636 triệu đồng)...

Ở thị trường UPCoM, giao dịch mua gom vẫn được ghi nhận với quy mô 14 tỷ đồng, tương đương rót ròng vào 355.127 đơn vị cổ phiếu.

Tại chiều mua, nhóm này mua gom mạnh nhất ở cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi (14,5 tỷ đồng). Lực cầu cũng tập trung tại VEA (1,3 tỷ đồng) và CSI (1,3 tỷ đồng), trước khi tìm đến lần lượt AAS, FOC, TVN...

Chiều ngược lại, bộ ba cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là ACV (2,2 tỷ đồng), MCM (1,5 tỷ đồng) và VTP (1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các mã ghi nhận giao dịch cùng chiều phải kể đến như BSR (724 triệu đồng), QTP (565 triệu đồng)...

Thảo Bùi