|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 26/10: Khối ngoại trở lại mua gom nhóm thép sau chuỗi bán ròng, tâm điểm HPG, HSG

15:49 | 26/10/2021
Chia sẻ
Với việc thị trường đóng cửa trong sắc xanh nhờ cú lội ngược dòng của nhóm vốn hóa lớn, khối ngoại giảm mạnh quy mô bán ròng xuống chỉ còn 44 tỷ đồng trên toàn sàn. Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại đã quay trở lại mua gom nhóm thép sau nhiều phiên xả ròng, tâm điểm là hai cổ phiếu HPG, HSG.

Thị trường cuối phiên chứng kiến pha lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm vốn hóa lớn. Trụ GAS nhường chỗ cho HPG vươn lên dẫn dắt thị trường. Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đóng cửa tại giá cao nhất phiên là 56.300 đồng/cp, tăng 2,2% so với phiên trước.

Kết phiên, VN-Index tăng 6,23 điểm (0,45%) lên 1.391,63 điểm, HNX-Index tăng 1,93 điểm (0,49%) lên 397,81 điểm, UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (0,95%) lên 101,88 điểm.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường giảm mạnh so với phiên trước, còn gần 25.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE chỉ đạt hơn 21.000 tỷ đồng.

Phiên 26/10: Khối ngoại trở lại mua gom nhóm thép sau chuỗi xả ròng, tâm điểm HPG, HSG - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trên sàn HOSE, giao dịch khối ngoại có chuyển biến tích cực khi nhóm này chuyển mua ròng về khối lượng hơn 2,7 triệu đơn vị sau chuỗi bán ròng kéo dài 10 phiên liên tiếp. Về giá trị, nhà đầu tư ngoại chỉ còn bán ròng 60,9 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phiên đầu tuần.

Phiên 26/10: Khối ngoại trở lại mua gom nhóm thép sau chuỗi xả ròng, tâm điểm HPG, HSG - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, khối ngoại gây bất ngờ khi trở lại mua gom cổ phiếu HPG sau khi đã liên tục bán ròng cổ phiếu này kể từ đầu tháng 10. Quy mô mua gom hơn 66,7 tỷ đồng của khối ngoại giúp HPG dần lấy lại sắc xanh và đóng cửa ở mức cao nhất phiên với 56.300 đồng/cp. Diễn biến tương tự, HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng được gom ròng hơn 25,7 tỷ đồng.

Nối tiếp, VHC của CTCP Vĩnh Hoàn duy trì thu hút 28,9 tỷ đồng vốn ngoại. Theo ghi nhận, nhà đầu tư ngoại đã liên tục mua gom cổ phiếu này trong 8 phiên gần đây. Cùng chiều, dòng vốn ngoại tìm đến chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (21,9 tỷ đồng), theo sau mua ròng các mã KBC (19,7 tỷ đồng), VHM (18,8 tỷ đồng), TNH (16,8 tỷ đồng), MBB, STB, DCM.

Phiên 26/10: Khối ngoại trở lại mua gom nhóm thép sau chuỗi xả ròng, tâm điểm HPG, HSG - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều bán ròng, mặc dù lực xả đã giảm đáng kể trong phiên, giao dịch vẫn tập trung ở rổ VN30 với 8/10 mã bị bán ròng nhiều nhất thuộc nhóm này.

Mặc dù trở lại mua gom KBC, VHM, diễn biến trái chiều vẫn xuất hiện tại một số cái tên đến từ nhóm bất động sản như NLG (88,2 tỷ đồng), VRE (45,7 tỷ đồng), VIC (32,8 tỷ đồng), NVL (18,8 tỷ đồng).

Nối tiếp, lực xả xuất hiện tại VNM của CTCP Sữa Việt Nam (51 tỷ đồng) khi được mua gom trong những phiên trước đó. Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có PNJ (30,6 tỷ đồng), CTG (26,4 tỷ đồng), HDB (24,7 tỷ đồng), VCB (17,8 tỷ đồng), CSV (15,1 tỷ đồng).

Trái ngược với HOSE, giao dịch tại sàn HNX nghiêng về phía bán ròng với giá trị gần 30 tỷ đồng, gần tương đương với phiên trước đó. Khối lượng rút ròng đạt trên 1,1 triệu đơn vị.

Ở chiều bán, danh mục bán ròng của các nhà đầu tư khối ngoại vẫn tập trung tại TNG (8,2 tỷ đồng) và THD (5,7 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhóm này cũng rút ròng với quy mô trên 1 tỷ đồng khỏi các cổ phiếu NTP (2,4 tỷ đồng), TC6 (2,4 tỷ đồng), VCS (1,6 tỷ đồng).

Ngược lại, giao dịch mua ròng diễn ra tương đối ảm đạm khi cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS là mã được mua nhiều nhất với 292 triệu đồng. Theo sau, một sổ cố phiếu được mua ròng nhẹ hơn lần lượt là APS, ACM, TDT, SCI...

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng hơn 46,9 tỷ đồng, hay mua ròng về khối lượng 416.120 đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu ACG của CTCP Gỗ An Cường bất ngờ dẫn đầu tại chiều mua với 69 tỷ đồng giá trị mua ròng, đóng góp tích cực nhất cho giao dịch khối ngoại trong phiên. Đây có thể là giao dịch tăng sở hữu của VOF Investment Limited khi quỹ này đã đăng ký mua vào 607.000 đơn vị từ ngày 21/10 đến ngày 19/11, khớp với khối lượng giao dịch trong phiên.

Theo sau, nhóm này duy trì mua ròng nhẹ một số mã gồm VGT, PWA, ACV, BLI...

Ở chiều bán, cổ phiếu VEA là mã bị bán ròng nhiều nhất với 6,2 tỷ đồng. Khối ngoại cũng duy trì xả ròng QNS (3,3 tỷ đồng), NTC (1,4 tỷ đồng), LTG (1,2 tỷ đồng) trước khi bán ròng nhẹ hơn VGI, VNA, MLS...

Thảo Bùi