Phía sau khoảng lặng của tỷ giá
Cung tăng cầu giảm
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn FDI giải ngân trong 7 tháng qua ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tiềm năng từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam tăng lên kể từ năm ngoái đến nay. Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng cộng thêm sự suy giảm kinh tế của nước này đã góp phần làm chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.
Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ ngày 31/12/2015 cũng đã thúc đẩy các thương vụ M&A trong năm nay, thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII).
Ngoài nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán, theo báo cáo vừa công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng qua đã có 3.141 doanh nghiệp ngoài sàn có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn hơn 2,9 tỷ USD.
Ảnh minh họa. Ảnh: Quý Hòa. |
Còn theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 29/7, huy động vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng giảm 6,25% so với đầu năm. Điều này cho thấy người dân đang chuyển dịch vốn gửi ngân hàng từ ngoại tệ sang VND.
Có vẻ như chính sách giảm trần lãi suất USD về 0%, duy trì chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD ở mức cao, và khả năng kiểm soát tỷ giá ổn định đã khuyến khích người dân tạm thời ưa chuộng tiền đồng hơn.
Cũng theo một báo cáo của NHNN, tín dụng bằng ngoại tệ đến tháng 6/2016 giảm 4,64% so với đầu năm, cho thấy cầu ngoại tệ đã giảm trong thời điểm hiện tại cũng như giảm áp lực lên cầu ngoại tệ trong tương lai. Trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng giảm ở mức cao, 12,9%. Chính sách hạn chế dần vay gửi ngoại tệ có vẻ đang đi đúng hướng và góp phần ổn định tỷ giá.
Trong khi đó, lượng kiều hối vẫn tăng trưởng ổn định, đơn cử như tại TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về 7 tháng qua ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất siêu 7 tháng qua cũng đạt mức cao, 1,79 tỷ USD, khá tích cực nếu so với mức nhập siêu 3,37 tỷ USD cùng kỳ năm 2015, càng giúp nguồn cung USD tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước đủ sức can thiệp thị trường
Trên thế giới, việc FED phải trì hoãn tăng lãi suất trước các sự kiện địa - chính trị và những bất ổn kinh tế ít nhiều khiến đồng USD giảm sức hấp dẫn. Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng USD so với các ngoại tệ khác biến động rất nhỏ trong 3 tháng qua, hiện tại đang nằm ở mức 95,68.
Tuy nhiên tỷ giá trong những tháng còn lại của năm nay có thể chịu một số áp lực, đầu tiên là việc FED không thể trì hoãn việc tăng lãi suất mãi được, do đó khả năng tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 9 hoặc chậm nhất là tháng 12 tới đang rất cao, nhất là khi các chỉ số kinh tế của quốc gia này ngày càng cải thiện.
Khi FED tăng lãi suất sẽ tác động mạnh lên các thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn đầu tư vào các quốc gia mới nổi có thể chảy ngược lại về Mỹ.
Về tình hình trong nước, theo một số dự báo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới. Cụ thể, theo dự báo của HSBC, lạm phát có thể đánh bật mục tiêu kiểm soát 5% của Chính phủ, còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%. Việc lạm phát tăng sẽ ít nhiều tác động lên sức hấp dẫn hiện tại của VND.
Tuy nhiên, dù chịu áp lực nhưng khả năng phá giá VND ở mức độ cao là khó xảy ra. Việc NHNN điều hành tỷ giá trung tâm theo hướng linh hoạt kể từ đầu năm đến nay đã hạn chế tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, người dân lẫn doanh nghiệp đã quen dần với sự điều chỉnh tỷ giá có tăng và có giảm.
Nếu FED tăng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh trên toàn cầu, thì việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND là cần thiết theo xu hướng chung của thị trường tiền tệ thế giới và cũng nhằm đảm bảo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Với cầu ngoại tệ tăng mạnh, dữ liệu gần nhất cho thấy NHNN đã mua được lượng ngoại tệ ước 8 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 38 tỷ USD.
Số lượng ngoại tệ mua được thời gian qua cho thấy NHNN đủ sức can thiệp thị trường mỗi khi tỷ giá USD/VND biến động. NHNN cũng đã có những lúc bán ra USD với khối lượng lớn để ổn định tỷ giá, như vào tháng 8 và tháng 9 năm ngoái - thời điểm FED nâng lãi suất làm USD biến động mạnh trên toàn cầu.
Theo Hồ Lê
Doanh nhân Sài Gòn