Phát triển Tây Nguyên thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn
Bộ Công Thương tìm đường cho nông sản Việt sang Úc
Trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều công tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu ... |
Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất, Tây Nguyên phát triển cà phê thành vùng chuyên canh tập trung góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ 2 thế giới; trong đó, đứng thứ 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Hiện toàn vùng Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê hơn 582.000 ha; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất với trên 202.000 ha. Các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt biện pháp thâm canh nhất là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây cà phê. Vì vậy, năng suất đạt 23,5 - 25 tạ cà phê nhân/ha trở lên, sản lượng mỗi năm từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Theo các chuyên gia, đây cũng là vùng chuyên canh có năng suất cà phê cao nhất thế giới.
Vài năm trở lại đây, các nông hộ trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư thay dần các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế bằng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13…
Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên trồng các loại cây che bóng, chắn gió trong vườn cà phê góp phần thích nghi với biến đổi khí hậu. Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (ViệtGap) trên cây cà phê cũng được triển khai. Hàng chục nghìn nông hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững. Các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận theo bộ quy tắc của Utz Certify, 4C, Rainforest Aliance…để gia tăng giá trị của sản xuất cà phê.
Ngoài cây cà phê, các tỉnh Tây Nguyên còn có các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cây hồ tiêu với tổng diện tích trên 71.000 ha, cây cao su có gần 252.000 ha, điều 74.276 ha…
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhiều nông hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu xây dựng mô hình sản xuất tốt, thu nhập từ 500 - 1 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp Tây Nguyên nói chung và phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày hàng hóa nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí của vùng. Nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng và giá trị thu được chưa cao, sản phẩm các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều chủ yếu xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng thấp, thu nhập của người nông dân chưa cao…
Nhộn nhịp điểm thu mua bơ. Ảnh: Dương Giang /TTXVN
Ngoài nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu làm hạn hán, lũ lụt tăng mạnh, không theo quy luật gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp thì nguyên nhân chủ quan là do cơ chế chính sách chưa được điều chỉnh phù hợp, kịp thời với thực tiễn sản xuất, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng cho phát triển nông nghiệp.
Tình trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp không theo quy hoạch nhất là quy hoạch trồng cà phê, hồ tiêu. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đến năm 2020 diện tích cà phê ở Tây Nguyên là 530.000ha nhưng nay đã tăng lên 582.149 ha…
Tại hội thảo Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, góc nhìn từ các nông dân tỷ phú được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột mới đây, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, các ngân hàng, UBND các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên sớm xây dựng chương trình hỗ trợ, cơ chế chính sách thuận lợi để xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh công nghệ cao.
Nông dân xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột phân loại và đóng gói quả sầu riêng trước khi bán ra thị trường. Ảnh: Dương Giang /TTXVN
Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân để đưa các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên (cà phê, hồ tiêu, ca cao, hạt điều…) tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng, thiết kế các chương trình nghiên cứu, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên mang tính tổng thể cả về khoa học quản lý, cơ chế, chính sách, thị trường và kỹ thuật công nghệ.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất nông nghiệp đi liền với tổ chức nông dân, tổ chức thị trường gắn với công nghệ cao, tạo dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần phải chú trọng quản lý sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng chủ lực như hiện nay để góp phần phát triển bền vững cho Tây Nguyên.
Tây Nguyên gồm có 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp ( trên 850.000 ha đất trồng cây hàng năm, trên 1,15 triệu ha đất trồng cây lâu năm…). Diện tích đất bazan Tây Nguyên chiếm 74,25% diện tích đất bazan của cả nước. Đây là loại đây rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu …