|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tây Nguyên trong vòng xoáy sốt đất - Bài 5: Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

01:30 | 15/05/2022
Chia sẻ
Trước tình trạng giá đất tăng đột biến gây nhiều hệ lụy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên có nhiều giải pháp để kiềm chế đà tăng giá đất và xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng.

Trước tình trạng giá đất tăng đột biến gây nhiều hệ lụy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên có nhiều giải pháp để kiềm chế đà tăng của giá đất và xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng. Từ đó, từng bước lập lại trật tự trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, sử dụng có hiệu quả “nguồn lực đặc biệt” để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Trước tình trạng sôi động của thị trường đất đai, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã nhiều lần bàn, giám sát về vấn đề này.

Đặc biệt, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã phê bình, kiểm điểm đối với UBND các phường, xã Tân Lập, Tân Lợi, Hòa Thắng; thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai đối với 3 phường, xã là Thành Nhất, Ea Kao và Cư Êbur.

Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2/2022, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 205 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và vi phạm khác về đất đai; 19 trường hợp xây dựng không phép công trình trên đất ở hoặc sai hồ sơ thiết kế được duyệt.

UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ Chủ tịch UBND phường Thành Nhất đối với bà Lê Thị Loan và cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất  đối với ông Vũ Tiến Thành kể từ ngày 1/4/2022 do có sai phạm trong công tác quản lý đất đai.

Đồng thời, UBND thành phố Buôn Ma Thuột thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao kể từ ngày 6/4/2022 vì để xảy ra 38 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, 39 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở vượt diện tích đất ở. Liên quan đến những vi phạm trong quản lý đất đai ở xã Ea Kao, UBND thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã từ ngày 6/4/2022.

Lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, tình hình xây dựng trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp. Quan điểm của UBND thành phố là xử lý nghiêm, không có "vùng cấm".

Thời gian tới, tình hình xây dựng trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích còn diễn biến phức tạp. Do đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu. Chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích.

Tại Gia Lai, để mạnh tay với tình trạng phân lô bán nền, làm trái quy định của nhà nước, phá vỡ quy hoạch, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều sự việc tiếp tay của cán bộ chính quyền địa phương cho nhà đầu tư hoặc "cò đất" đã bị xử lý.

Các biển quảng cáo bán đất nền chi chít tại khu vực làng Nhao 2,  xã Ia Kênh, thành phố Pleiku (Gia Lai). (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN).

Điển hình, ngày 26/10/2018, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký Kết luận số 2405/KL-UBND về "Việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku" nêu rõ, đã có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích với 33 ha.

Để xảy ra tình trạng này, vào năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã kỷ luật khiển trách ông Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku; cảnh cáo ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku; khiển trách ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Ngoài ra, nhiều cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và thành phố Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku đều bị kỷ luật.

Tiếp đó, ngày 9/6/2021, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng đã có Kết luận số 08/KL-TTr phát hiện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đắk Đoa tự ý chuyển đổi hơn 1,4 ha đất trồng cây lâu năm thành đất ở nông thôn và cấp 77 sổ đỏ trái quy định cho ông Trần Xuân Hùng, nguyên Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường để ông này phân lô, bán nền.

Sau khi sai phạm bị phát giác, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Minh Sở, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật hình thức khiển trách đối với bà Giang H’Đan, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa.

Tại Lâm Đồng, sau kết luận của Thanh tra tỉnh hồi tháng 10/2021, thành phố Bảo Lộc đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, địa phương đã tổ chức kiểm điểm cá nhân vi phạm liên quan đến trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất đối với ông Bùi Thanh Chung (Trưởng phòng Quản lý đô thị Bảo Lộc), ông Nguyễn Văn Hán (nguyên chủ tịch UBND xã ĐamB’ri), ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó chủ tịch UBND xã ĐamB’ri, kỷ luật với hình thức khiển trách) đều nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Riêng ông Phùng Khắc Chương (công chức địa chính xã ĐamB’ri) và bà Vũ Thị Thìn (công chức địa chính Phường 1) nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Đậu Ngọc Giang (công chức địa chính phường 2, kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương)...

Tuy nhiên, theo dư luận tại địa phương, cần có biện pháp mạnh hơn nữa trong việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố Bảo Lộc. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc tham mưu, chỉ đạo hoạt động của ngành. Đặc biệt là việc chỉ đạo áp dụng quy đinh về “tặng cho” quyền sử dụng đất tại các cơ quan thuộc Sở chưa đúng quy định của pháp luật nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.

Minh bạch trong quản lý

Chính quyền các xã, phường của thành phố Pleiku làm biển cảnh báo để hạn chế rủi ro của người dân khi các cò đất loan tin các dự án quy hoạch để bán đất nông nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN).

Đánh giá về tình trạng sốt đất thời gian qua tại nhiều địa phương; trong đó, có khu vực Tây Nguyên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính, nếu không can thiệp, chấn chỉnh kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy bởi hiện tượng này là không bình thường.

Một trong các nguyên nhân vì đây là thời điểm các địa phương đang triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030. Thực tế, có quy hoạch đã được phê duyệt nhưng cũng có nhiều ý tưởng dự kiến; trong đó, có những thông tin về chủ trương, định hướng thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, nâng cấp đô thị. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp... được thông tin dự kiến triển khai.

Tuy nhiên, có nguyên nhân mang tính tiêu cực là yếu tố đầu cơ. Những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, ngay từ khi cơn sốt đất bùng phát vào năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định, nếu không can thiệp kịp thời để giá đất được quản lý, định hướng thì có thể dẫn đến hệ lụy mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Do đó, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất.

Ông Đào Trung Chính cho rằng, cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Cùng đó, hoạt động môi giới bất động sản cũng phải kiểm tra, chấn chỉnh để tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, có các biện pháp quản lý chặt dự án phân lô, bán nền. Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống cũng chính là biện pháp nhằm tránh để bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế và kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản, cần phải xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - ông Chính nhấn mạnh. 

Do đó, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định về giá đất, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương; sớm đưa giao dịch đất đai, bất động sản thực hiện theo hệ thống cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số để quản lý trên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.

Ngoài ra, nhằm tránh tình trạng sốt đất, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, tổng kết, đánh giá, sửa đổi bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng đầu cơ lợi dụng, tăng giá đất.

Theo ông Đặng Hùng Võ, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có mệnh lệnh từ Trung ương xuống các địa phương yêu cầu chỉnh đốn lại việc "cò đất” tung tin giả, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp cố tình gây nhiễu loạn thị trường. Chuyên gia này cũng chỉ ra nhược điểm là hệ thống quản lý đất đai, bất động sản hiện nay còn "cổ điển". Vì vậy, về dài hạn cần thay thế bằng các biện pháp chuyển đổi số để tạo được tính minh bạch thực sự cho thị trường. 

Các biển quảng cáo bán đất nền chi chít tại khu vực làng Nhao 2,  xã Ia Kênh, thành phố Pleiku (Gia Lai). (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN).

Bên cạnh các giải pháp công khai, minh bạch hóa thị trường bằng công nghệ số, cần nghiên cứu hệ thống thuế đánh vào các trường hợp đầu cơ bất động sản. Đồng thời, triển khai đồng bộ những giải pháp này sẽ giúp ngăn ngừa được tình trạng đầu cơ, "thổi giá”, tạo "sốt ảo" gây lạm phát. 

Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Trần Đình Nhuận, để siết chặt quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện chấn chỉnh khâu quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch và đồng bộ giữa các quy hoạch; quản lý chặt chẽ khu vực đất nông nghiệp đã được quy hoạch; quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện nghiêm việc phân lô tách thửa.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Trần Đình Nhuận kiến nghị, UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu, nâng hạn mức tách thửa đối với đất nông nghiệp ở phường, thị trấn từ 1.000 m2 trở lên và ở xã phải từ 2.000 m2 trở lên để hạn chế phân lô tách thửa manh mún, nhỏ lẻ. UBND tỉnh nghiên cứu, giao Sở Tài chính quy định hệ số điều chỉnh giá đất theo từng khu vực, tuyến đường sát với giá thực tế.

Ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ngày 17/4, UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến bằng văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, huyện thị thanh tra việc thu gom đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái quy định; kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum A Byot khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 cấp huyện và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành, công bố rộng rãi đến người dân.

Nhóm PV Ban biên tập Tin kinh tế và các CQTT Tây Nguyên