|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phát thải khí nhà kính toàn cầu cao nhất 800 nghìn năm qua

13:57 | 01/11/2017
Chia sẻ
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết mức phát thải khí nhà kính trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 800 nghìn năm, trong khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết các nước chỉ mới đạt 1/3 mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030.
phat thai khi nha kinh toan cau cao nhat 800 nghin nam qua
Khí thải từ nhà máy lọc dầu Wilmington tại bang California, Mỹ. Nguồn: Bret Hartman/Reuters.

Mức CO2 cao nhất trong 800 nghìn năm

Mật độ CO2 trung bình toàn cầu vào năm 2016 là 403,3 ppm (1 ppm = 1 mg/kg), so với con số 400 ppm của năm 2015, theo Bản tin Khí nhà kính của WMO.

Báo cáo bi quan này được công bố chỉ một ngày sau khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát hiện mật độ CO2 trong khí quyển đã tăng với tốc độ kỷ lục trong năm qua lên mức cao nhất trong vòng 800 nghìn năm.

Các kết quả này được công bố chưa đầy một tuần trước khi hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) chính thức diễn ra từ ngày 6 – 17/11 tại thành phố Bonn của Đức.

Theo đó, cam kết cắt giảm khí thải của các nước hiện chỉ đạt 1/3 mục tiêu toàn cầu vào năm 2030. Theo LHQ, thách thức lớn nhất hiện nay không đến từ chính phủ các nước mà do hành động của các thể chế khu vực và lĩnh vực tư nhân chưa đủ quyết liệt để thu hẹp khoảng cách này.

Hiệp định khí hậu Paris đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ít nhất dưới 2°C và phấn đấu đạt mức 1,5°C nhằm tránh một thảm họa khí hậu toàn cầu.

Nhưng với tốc độ hiện nay, dù mục tiêu cắt giảm khí thải của mỗi nước thành hiện thực thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng đến 3°C vào năm 2100. Thực tế sẽ còn tồi tệ hơn nếu Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này.

“Đây là điều không thể chấp nhận. Một năm sau khi Hiệp định khí hậu Paris có hiệu lực, hành động của chúng ta vẫn chưa đủ quyết liệt để cứu hàng trăm triệu người khỏi thảm họa khí hậu trong tương lai”, ông Erik Solheim, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết.

LHQ cho biết vẫn có những giải pháp đơn giản để thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu đã đề ra, trong đó việc đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường có thể giảm đến 30 – 40 tỷ tấn CO2 tương đương (GtCO2e) mỗi năm với chi phí 100 USD/tấn.

Theo LHQ, các ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các công nghệ này là nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, lâm nghiệp, công nghiệp và giao thông. Đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này có thể cắt giảm 36 GtCO2e/năm vào năm 2030 và giúp thế giới đạt được mục tiêu khí hậu của mình.

Bên cạnh đó, cam kết hành động từ các thể chế khu vực và lĩnh vực tư nhân cũng có thể đóng góp vào mục tiêu này, giúp giảm vài GtCO2e vào năm 2030. Ngoài ra, việc ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới, dần cắt giảm sản lượng và cuối cùng là xóa sổ các nhà máy hiện tại cũng là một giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả.

Trường Giang