Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Bình Định, Quảng Ngãi
Sáng 5/6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết ngành thú y tỉnh này đã tiến hành tiêu hủy theo quy trình đối với đàn heo có 53 con bị dịch tả lợn châu Phi của một hộ chăn nuôi ở P.Nhơn Phú, TP Quy Nhơn.
Đây là ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại Bình Định. Chiều 30/5, ngay sau khi phát hiện ổ dịch nói trên, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khẩn trương tiêu độc, sát trùng hệ thống chuồng trại, tất cả các vật dụng phục vụ chăn nuôi và tiến hành chôn, đốt đúng theo quy trình xử lý tiêu hủy gia súc.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập chốt chặn, cử lực lượng xung kích trực 24/24, phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ người và phương tiện ra vào khu vực này.
Hiện UBND tỉnh Bình Định đã lập 4 trạm kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời trên địa bàn tỉnh và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm tra, kiểm soát, khử trùng các xe chở động vật ra, vào tỉnh để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đồng ý cho đầu tư xây dựng nhà sát trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Bình Đê và Cù Mông trên QL 1.
Quảng Ngãi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
Ngày 5/6, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, ổ dịch xảy ra tại trại chăn nuôi lợn của hộ ông Đặng Bá, ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh (H.Bình Sơn). Đàn heo của ông Bá có 100 con heo thịt gần 3,5 tháng tuổi, trọng lượng bình quân 70 kg/con.
Tại thời điểm kiểm tra vào ngày 30.5, trại heo có 15 con đã chết. Theo thông báo trả lời kết quả của Chi cục Thú y vùng 4 thì 3/3 mẫu bệnh phẩm lợn của hộ ông Bá đều dương tính với vi rút gây dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi phối hợp với UBND H.Bình Sơn tiến hành khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số heo chết và đang mắc bệnh, khử trùng tiêu độc môi trường vùng dịch, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Để triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp dập dịch, đảm bảo nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, không để lây lan ra diện rộng, giảm tối đa thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND H.Bình Sơn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã nằm trong vùng dịch (trong phạm vi bán kính 10 km) thực hiện triệt để các giải pháp phòng, chống dịch.
Dịch tả lợn châu Phi lây lan tại Đà Nẵng
Ngày 5/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNTT TP Đà Nẵng) cho biết đã tiêu hủy thêm 18 con heo trong ổ dịch tả lợn châu Phi mới nhất ở xã Hoà Phong (H.Hòa Vang).
Ổ dịch này nằm ở thôn Bồ Bản, đây là ổ dịch thứ 3 tại H.Hòa Vang và là ổ dịch thứ 2 tại xã Hòa Phong. H.Hòa Vang đã công bố dịch tại 2 xã Hòa Phong, Hòa Phú và tiêu hủy khoảng 30 con heo bị nhiễm bệnh tại các hộ chăn nuôi thôn Khương Mỹ và Hội Phước ở 2 xã này.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết mặc dù huyện đã chủ động phòng ngừa với nhiều giải pháp nhưng không tránh khỏi nạn dịch xuất hiện, hiện quy mô dịch chưa lớn, số lượng đàn mắc bệnh chưa nhiều nhưng có dấu hiệu lây lan.
Người nuôi heo ở H.Hòa Vang lo lắng trước các ổ dịch. Ảnh: N.T
Các chốt kiểm soát được lập để ngăn chặn vận chuyển heo ở vùng dịch. Ảnh: N.T
Hiện địa phương đã tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại lên tần suất hằng ngày (thay vì 3 ngày/lần như trước đây); đồng thời nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ heo cũng như các loại gia súc, gia cầm khác trong vùng có dịch.
H.Hòa Vang cũng đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch và yêu cầu các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ diễn biến dịch để ngăn chặn kịp thời, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch cho người dân.