Phản ứng của Mỹ về cơ chế đặc biệt của EU nhằm hợp tác với Iran
Trả lời báo chí ngày 12/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Sigal Mandelker cho biết chính phủ nước này không quá quan tâm đến ý tưởng của Liên minh châu Âu (EU) về một cơ chế đặc biệt (SPV) để có thể tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran, khi các công ty đang đẩy mạnh việc rút khỏi quốc gia Hồi giáo này.
Thứ trưởng Mandelker cho biết bà hoàn toàn không quan tâm đến SPV và bày tỏ tin tưởng Mỹ và châu Âu có thể xây dựng các cơ chế bổ sung để cùng làm việc với nhau. Bà cũng hy vọng Mỹ và EU có thể cùng hành động và đưa ra lệnh trừng phạt chung chống Iran.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Mandelker cũng cho biết Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) – tổ chức phụ trách phần lớn các khoản thanh toán xuyên biên giới trên toàn cầu - đã chấm dứt hoạt động với Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính khác của nước này. Bà cho đây là một quyết định “đúng đắn” của SWIFT.
Bên cạnh đó, bà Mandelker khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ thực thi nghiêm chỉnh các lệnh trừng phạt Iran và đó là một thông điệp mà Washington muốn gửi đến châu Âu và lĩnh vực tư nhân. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng nói rằng bất cứ ai không tuân thủ lệnh trừng phạt này thì Washington sẽ có những động thái đối phó.
Khi được hỏi về các lệnh trừng phạt Iran, Thứ trưởng Mandelker cho biết chính phủ Mỹ sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp mới trong thời gian tới.
Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018. Đợt trừng phạt đầu tiên có hiệu lực từ tháng Tám nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ô tô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác.
Đợt trừng phạt thứ hai có hiệu lực từ ngày 5/11 nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ, cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran và hơn 50 ngân hàng tại nước này. Hiện Washington đã tạm miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bảy quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và Hy Lạp, cùng Đài Loan (Trung Quốc), qua đó cho phép các nước và vùng lãnh thổ này tiếp tục mua dầu mỏ của Iran.
Xem thêm |