[Phần 2] Xuất khẩu thủy sản sang EU gặp khó khăn do COVID-19
Ở Phần 1 đã đề cập EU là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bởi đây là thị trường lớn, nhu cầu cao. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Tác động của dịch COVID-19
Theo Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI)- một cơ quan của Bộ Ngoại giao Hà Lan, nhiều quốc gia châu Âu tiêu thụ thủy hải sản lớn như Italy, Pháp và Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Mặc dù COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, nhưng sau đó nó đã nhanh chóng lây lan sang châu Âu.
Đến tháng 3/2020, WHO gọi Châu Âu là “trung tâm mới của đại dịch”.
Khi các quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa , các nhà hàng, khách sạn và lĩnh vực dịch vụ ăn uống nói chung đã đóng cửa.
Các quốc gia và công ty nhập khẩu đang gặp khó khăn về tài chính, khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc đối mặt với tình trạng nguy hiểm.
Kết quả là trong tháng 3 và tháng 4, nhiều nhà nhập khẩu thủy sản đã hủy, hoãn hoặc giảm đơn hàng.
Giao thông vận tải cũng là một mối quan tâm lớn, đặc biệt là đối với các đơn đặt hàng từ các nước không thuộc châu Âu vì nhiều biên giới bị đóng cửa.
Ngành chế biến thủy hải sản, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Italy và Pháp, cũng bị ảnh hưởng bởi các nhà máy giảm công suất làm việc trong bối cảnh đất nước áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội .
Điều này có ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản như cá ngừ, cá mòi hoặc cá cơm từ các nước xuất khẩu.
Lĩnh vực bán lẻ có doanh số tăng nhẹ, chủ yếu là do động thái tích trữ của một số người tiêu dùng khiến việc mua các sản phẩm cá đông lạnh và đóng gói sẵn tăng trưởng đột biến (EUMOFA, tháng 5/2020).
Ở Pháp, việc bán thuỷ hải sản tươi giảm nhưng lượng mua thuỷ sản đóng gói và chế biến sẵn lại tăng lên.
Điều đó cũng diễn ra tương tự ở Italy do người dân có nhiều thời gian nấu ăn ở nhà hơn trong thời gian kiểm dịch.
Theo Alimarket, một trang web của Tây Ban Nha cung cấp thông tin về kinh tế và thuỷ hải sản, ở nước này doanh thu tại cửa hàng chỉ chiếm 25% trong khi giao hàng tại nhà là 75%, điều này đã khiến chi phí hậu cần tăng 75%.
Đồng USD suy yếu
Từ năm 2015, nhập khẩu thủy sản và hải sản vào châu Âu đã tăng lên, đạt 22,3 tỉ USD vào năm 2018.
Tuy nhiên, năm 2019 lại cho thấy mức giảm nhẹ xuống còn 21,5 tỉ USD.
Nhập khẩu từ các nước đang phát triển cũng có xu hướng tương tự và giảm từ 16,5 tỉ USD năm 2018 xuống còn 15,8 tỉ USD vào năm 2019.
Trong khi điều này có vẻ như thủy hải sản đã không còn ưu thế trong lựa chọn của người tiêu dùng châu Âu thì việc giảm giá trị là kết quả của sự biến động của đồng USD sang đồng EUR.
Năm 2019, châu Âu nhập khẩu thuỷ sản và hải sản cao hơn 9,7 tỉ USD so với xuất khẩu.
Nhập khẩu vào châu Âu từ các nước đang phát triển, trị giá 15,8 tỉ USD, chủ yếu bao gồm các loài thủy hải sản không phổ biến như cá ngừ, cá rạn và tôm nước ấm.
Xuất khẩu của châu Âu trị giá 10,6 tỉ USD, chủ yếu bao gồm các loài cá như cá hồi, cá thu và cá dẹt.
Các nước đang phát triển chiếm thị phần 73% tổng số sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu vào năm 2019.
Các nhà cung cấp chính cho châu Âu là các nước đang phát triển đã ổn định trong những năm qua và 5 nhà cung cấp hàng đầu là Trung Quốc, Ecuador, Việt Nam, Maroc và Ấn Độ.
Với tổng giá trị 8 tỉ USD, các nước này chiếm 51% giá trị nhập khẩu từ các nước đang phát triển.
Các nhà nhập khẩu hàng đầu là Tây Ban Nha, Italy và Pháp.
Khi chỉ nhìn vào tốp 5 nước nguồn cung, các nước này chỉ chiếm 1,2 tỉ USD và 8% thị phần, giảm 0,11 tỉ USD so với năm 2018.
Thách thức trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán và tiêu thụ thủy hải sản
Hiện nay, cả châu Âu đang phải đối mặt với thời điểm đầy khó khăn do đại dịch COVID-19, nền kinh tế suy thoái và Brexit gây ra.
Nhìn vào nhập khẩu của châu Âu từ đầu năm đến nay, có thể thấy nhập khẩu trong tháng 1 đã thấp hơn so với cùng k các năm trước.
Tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 từ các nước đang phát triển là 1,5 tỉ USD, giảm 8,2% so với năm 2019. Các quốc gia giảm chính là Trung Quốc và Việt Nam trong khi các nước như Bangladesh và Madagascar gia tăng giá trị xuất khẩu sang châu Âu vào tháng 1/2020.
Nhìn chung cả cung và cầu đã bị xáo trộn nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, vì cả các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu đều gặp phải những hạn chế về giao thông, cơ sở hạ tầng và những khó khăn trong hoạt động hàng ngày của họ.
Trong nửa cuối năm 2020, ngoài bán lẻ vẫn còn mở, các hình thức tiêu thụ khác của thị trường dự kiến sẽ từ từ mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng kết hợp với việc mất niềm tin vào triển vọng kinh tế của Châu Âu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng chi tiêu.
Liên minh châu Âu dự kiến GDP sẽ giảm -7,4% vào năm 2020, trong khi năm 2019 có mức tăng trưởng trung bình 1,5%.
Để đối phó với điều này, các quốc gia thành viên riêng lẻ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính lớn để giữ cho nền kinh tế của họ ổn định trong thời gian phong tỏa.
Những điều này liên quan đến việc hỗ trợ thanh khoản cho các công ty để tránh phá sản và hỗ trợ người lao động giảm bớt gánh nặng mất thu nhập và tránh tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Để duy trì hoặc tìm cách tiếp cận thị trường Châu Âu và vượt qua những thách thức, các nước xuất khẩu nên nhận biết các xu hướng xuất hiện trong cuộc khủng hoảng này và tìm cơ hội cho mình.