|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì khiến Châu Âu trở thành miền đất hứa cho các công ty xuất khẩu thủy hải sản? (Phần 1)

15:40 | 24/10/2020
Chia sẻ
Theo Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI)- một cơ quan của Bộ Ngoại giao Hà Lan, nếu các công ty chế biến muốn tìm khách hàng cho các sản phẩm thuỷ sản và hải sản của mình thì Châu Âu là một trong những thị trường lớn để xem xét.

Miền đất hứa cho các công ty xuất khẩu thủy hải sản

"Đừng nhầm lẫn rằng Châu Âu là một thị trường đơn lẻ. Đó là một nhóm các quốc gia đa dạng với các thị trường riêng biệt nhưng có liên quan lẫn nhau" CBI nhận định. 

Thành công ở châu Âu phụ thuộc vào sự hiểu biết về nhu cầu của các thị trường mục tiêu và khách hàng khác nhau. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, rất khó để đưa ra các dự đoán hoặc kết luận chắc chắn, vì vậy các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển nên theo dõi tin tức ngành và cập nhật các diễn biến của đất nước.

Nghiên cứu này được đưa ra nhằm mục đích xem xét các số liệu thống kê được ghi nhận gần đây.

Trong khi vẫn còn nhiều điều không chắc chắn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở cả nguồn cung và các thị trường chính ở Châu Âu, đây vẫn là thị trường chính cho các sản phẩm thủy hải sản của các nước đang phát triển. 

Ngoài đặc điểm tiêu dùng đa dạng, nhiều quốc gia nhập khẩu lớn của châu Âu cũng là các nhà chế biến thủy sản lớn nên họ nhập khẩu nguyên liệu thô.

Châu Âu thích thủy hải sản, Nam Âu thậm chí còn ưa chuộng thủy hải sản hơn

Dữ liệu mới nhất được Đài quan sát thị trường châu Âu về thuỷ sản và sản phẩm thuỷ hải sản EUMOFA công bố vào năm 2019 là dữ liệu từ nghiên cứu năm 2017, trong đó mức tiêu thụ bình quân đầu người được ghi nhận là 24,3 kg, với các loài đánh bắt tự nhiên chiếm 3/4 trong số này. 

Trung bình, mức tiêu thụ hải sản của châu Âu khoảng 24,9 kg/năm. Tổng tiêu thụ thủy hải sản ở châu Âu lên tới 12,77 triệu tấn.

Châu Âu là một thị trường đa dạng với các đặc điểm tiêu dùng khác nhau, từ mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất ở Bồ Đào Nha là 57 kg (gấp đôi mức trung bình của châu Âu) đến 5,2 kg bình quân đầu người ở Hungary. 

Hầu hết các quốc gia tiêu thụ thủy hải sản hàng đầu trong năm 2017 là từ Nam Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Malta, Pháp và Italia. 

Các sản phẩm chính được tiêu thụ là cá ngừ (chủ yếu đóng hộp), cá tuyết, cá hồi, cá minh thái Alaska, tôm, vẹm và cá trích (EUMOFA, 2019).

Điều gì khiến Châu Âu trở thành miền đất hứa cho các công ty xuất khẩu thủy hải sản? (Phần 1) - Ảnh 1.

Nguồn: Eurostat (2020). Việt hóa: Đức Quỳnh

Thị trường châu Âu nào mang lại nhiều cơ hội nhất cho thủy hải sản

Kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ thực phẩm, khiến các quán bar và nhà hàng, đầu tiên là ở phía nam của châu Âu, sau đó là phía bắc của châu Âu phải đóng cửa.

Đại dịch cũng khiến các chợ thực phẩm, các sự kiện và các cuộc tụ tập đông người khác ngừng hoạt động Doanh thu thủy sản qua các phân khúc này đã giảm mạnh.

Khi ngành dịch vụ thực phẩm châu Âu đóng cửa, các nhà nhập khẩu châu Âu có lượng hàng tồn kho cao do nhu cầu thị trường thấp.

Điều gì khiến Châu Âu trở thành miền đất hứa cho các công ty xuất khẩu thủy hải sản? (Phần 1) - Ảnh 2.

Nguồn: Trademap (2020). Việt hóa: Đức Quỳnh

Nam Âu: Thị trường tiêu dùng và sản xuất lớn nhất Châu Âu

Nam Âu là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm thủy sản. Ngoài tỉ lệ tiêu thụ thủy sản cao trong khối này, Tây Ban Nha, Italia và Pháp cũng là các quốc gia chế biến lớn ở châu Âu. 

Nam Âu bao gồm các quốc gia ven biển Địa Trung Hải. Trong nghiên cứu này, Nam Âu bao gồm năm nhà nhập khẩu hàng đầu là Tây Ban Nha, Pháp, ltalia, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Nhìn chung, Nam Âu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản trị giá 9,3 tỉ USD từ các nước đang phát triển, chiếm 82% tổng kim ngạch nhập khẩu từ bên ngoài Liên minh Châu Âu (11,4 tỉ USD). 

Bốn nhóm sản phẩm chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Nam Âu từ các nước đang phát triển bao gồm nhuyễn thể (chủ yếu là mực và mực nang) trị giá 2,3 tỉ USD, động vật giáp xác như tôm 2,1 tỉ USD, cá chế biến và bảo quản như thăn cá ngừ và cá ngừ đóng hộp trị giá 1,8 tỉ USD và philê cá như cá tra là 1,1 tỉ USD.

Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Bồ Đào Nha và Hy Lạp là các nước Nam Âu nhập khẩu nhiều nhất từ các nước đang phát triển. 

Năm 2019, nhập khẩu của Nam Âu chiếm 60,2% tổng nhập khẩu của Châu Âu từ các nước đang phát triển. Tây Ban Nha dẫn đầu với 4,4 tỉ USD, tiếp theo là Italia với 2,2 tỉ USD và Pháp với 1,8 tỉ USD.

Điều gì khiến Châu Âu trở thành miền đất hứa cho các công ty xuất khẩu thủy hải sản? (Phần 1) - Ảnh 3.

Nguồn: Trademap (2020) Việt hóa: Đức Quỳnh

Năm 2018, hầu hết các nước Nam Âu đều thể hiện sự tăng trưởng về giá trị nhập khẩu từ các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, vào năm 2019 (như được hiển thị trong biểu đồ), giá trị nhập khẩu của bốn quốc gia hàng đầu đã giảm. 

Giá trị nhập khẩu của Tây Ban Nha giảm từ 4,7 tỉ USD năm 2018 xuống 4,4 tỉ USD năm 2019, giảm 6%, trong khi Italia và Pháp đều giảm 8% trong cùng thời kì. 

Mặc dù những thay đổi về tỉ giá hối đoái đã hạn chế sự sụt giảm này, tính theo đồng EUR, giá trị của Tây Ban Nha giảm 1,6%, Pháp giảm 3,2% và Italy giảm 3,8%. 

H.Mĩ