|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Người trồng cà phê ở Tanzania cũng khốn đốn trước biến đổi khí hậu

14:16 | 03/03/2019
Chia sẻ
Giống như Việt Nam, nông dân Tanzania cũng phải đối mặt với những khó khăn như đất đai bạc màu, biến đổi khí hậu và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, theo The Guardian.


Năng suất của các hệ thống nông nghiệp tại Tanzania hiện quá thấp để cung cấp mức thu nhập và an ninh lương thực đầy đủ. Giống như Việt Nam, nông dân ở đây cũng phải đối mặt với những thách thức như đất đai bạc màu, biến đổi khí hậu và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

[Phần 2] Người trồng cà phê ở Tanzania cũng khốn đốn trước biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Ảnh: Steve McCurry/Lavazza

Ngoài ra quốc gia này còn thiếu các tổ chức trồng trọt chuyên nghiệp và nông dân ở khu vực này không có kỹ năng kinh doanh và nông nghiệp cần thiết để chuyển từ canh tác nông nghiệp sang cấp độ cạnh tranh cao hơn.

Trước sự việc này, Quỹ Lavazza đã thành lập hai dự án, hợp tác với Quỹ Hanns R Neumann Stiftung (HRNS), để hỗ trợ các nhà sản xuất cà phê quy mô nhỏ ở vùng Kilimanjaro và Arusha. 

Lavazza là một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ các cộng đồng nhỏ người trồng cà phê trên 15 quốc gia thông qua hơn 20 dự án bền vững về môi trường và xã hội, tiếp cận hơn 90.000 người

Hai mục tiêu chính của các dự án là nâng cao đời sống của 10.000 nhà sản xuất cà phê quy mô nhỏ trong khu vực thông qua việc tạo ra các tổ chức nông thôn và trang bị cho họ những kiến thức phù hợp để cạnh tranh trên thị trường. 

Đồng thời giúp tăng năng suất và chất lượng của cà phê, sử dụng các phương pháp và tài nguyên bền vững - giúp các gia đình trồng cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trong ngắn hạn và dài hạn, bằng cách tăng khả năng thích ứng và khả năng tự phục hồi của cây cà phê.

Cùng với Lavazza và HRNS, Coffee & Climate - một sáng kiến tìm cách nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với cà phê - đang giúp cung cấp cho người trồng cà phê quy mô nhỏ các công cụ kỹ thuật mà họ cần để đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo Coffee & Climate (C&C), tại nhiều vùng nông thôn như Tanzania, lao động nữ chiếm 60 – 90% trong hoạt động sản xuất cà phê. Do đó, tác động của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng đang đè nặng lên vai người phụ nữ do khối lượng công việc gia tăng.

Webster Miyanda, giám đốc điều hành C&C từ Tanzania cho biết, một trong những cách thức tối ưu để tăng hiệu quả và tính bền vững của chuỗi cung ứng cà phê là thúc đẩy sự thay đổi của phụ nữ trong cộng đồng cà phê.

[Phần 2] Người trồng cà phê ở Tanzania cũng khốn đốn trước biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ảnh: Steve McCurry/Lavazza

C&C tin rằng phụ nữ cần phải tham gia đào tạo về biến đổi khí hậu để đảm bảo sự thích ứng với những gì đang diễn ra và cần phải tăng cường quyền lợi cho người phụ nữ trong cộng đồng.

Các dự án ở Việt Nam và Tanzania chỉ là một số trong tất cả các dự án xã hội và môi trường được thành lập bởi Quỹ Lavazza trên toàn cầu nhưng đều đem đến tác động tích cực, lâu dài và ngày càng phát triển. 

Vì vậy, lần tới khi ngồi và thưởng thức cà phê, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về hành trình từ hạt đến tách cà phê và những người đứng sau nó, hướng tới một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Ngọc Ánh