|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Biến đổi khí hậu tác động đến cà phê ra sao?

07:19 | 03/03/2019
Chia sẻ
Một báo cáo gần đây cho thấy sản xuất cà phê trên toàn thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn, theo The Guardian.

[Phần 1] Biến đổi khí hậu tác động đến cà phê ra sao? - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới cà phê toàn cầu

Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Lavazza

Trong Báo cáo Phát triển bền vững năm 2017, Lavazza - một trong những nhà sản xuất cà phê Italy lớn nhất thế giới, chỉ ra sự bất ổn về khí hậu đang đe dọa việc cung cấp cà phê chất lượng cao.

"Cà phê đang bị đe dọa bởi những thay đổi khí hậu liên tục. Nếu chúng ta không ngăn chặn hiện tượng này, hàng triệu ha cà phê có nguy cơ biến mất trong một vài thập kỉ, thậm chí hàng triệu người trồng cà phê có nguy cơ mất sinh kế và buộc phải di cư", báo cáo tiết lộ.

Bên cạnh đó, có một số sáng kiến cải tiến đang được triển khai trên khắp thế giới để giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Chuỗi cung ứng cà phê hoàn chỉnh – con đường từ hạt đến tách cà phê - đang dần trở nên bền vững hơn.

[Phần 1] Biến đổi khí hậu tác động đến cà phê ra sao? - Ảnh 2.

Con đường từ hạt đến tách cà phê. Ảnh: Lavazza

Báo cáo của Lavazza cũng cho rằng: "Không chỉ có Trái đất cung cấp cho chúng ta cà phê - sản phẩm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, mà còn được cung cấp bởi gần 25 triệu nông dân. Lavazza muốn hợp tác với họ để cùng nhau ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động nông nghiệp và hỗ trợ sự phát triển xã hội bền vững".

Thực tế, họ đã cam kết thực hiện đổi mới tư duy trên mặt trận bền vững và dẫn đầu một số dự án thông qua Quỹ Lavazza. Được thành lập vào năm 2004, Quỹ Lavazza là một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ các cộng đồng nhỏ người trồng cà phê trên 15 quốc gia thông qua hơn 20 dự án bền vững về môi trường và xã hội, tiếp cận hơn 90.000 người.

Mục tiêu chính của các dự án này gồm hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội của các cộng đồng trồng cà phê, thúc đẩy cân bằng giới trong những cộng đồng này và đào tạo thực hành tốt nhất (gồm các kỹ thuật canh tác cho phép người trồng ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu) cũng như hỗ trợ trồng rừng.

Khoảng 3/4 cà phê trên toàn thế giới được trồng bởi những người sản xuất nhỏ trên những mảnh đất sở hữu chung với gia đình họ. Biến đổi khí hậu, xói mòn đất và biến động giá toàn cầu đang đe dọa sinh kế của hàng triệu hộ gia đình. 

Những dự án sáng tạo trên - thường hợp tác với cơ quan có chung mục tiêu – cam kết với các nhà sản xuất cà phê và bên liên quan ở cấp cơ sở để tạo điều kiện cho sự thay đổi tích cực và lâu dài.

Mặc dù có một số sáng kiến bền vững về môi trường và xã hội đang được điều hành trên phạm vi toàn cầu - từ Columbia, Peru và Brazil đến Ethiopia, Ấn Độ và Indonesia – nhưng dự án trên chỉ tập trung vào hai khu vực có tác động rất lớn không chỉ tới nông dân địa phương và tập quán của họ, mà tới cả cộng đồng của họ.

Cà phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đột ngột, lượng mưa trái mùa dồi dào cùng với thời kì hạn hán kéo dài đã gây cản trở cho người trồng cà phê ở Việt Nam, đe dọa sinh kế của hơn 1.200 nhà sản xuất nhỏ tại địa phương. Những nông dân này cũng đang phải đối mặt với thách thức về suy thoái đất, sâu bệnh.

Các lớp tập huấn nông dân (FFS) được thành lập tại tỉnh Đắk Lắk bởi Tổ chức Lavazza, hợp tác với Olam (một trong những công ty kinh doanh nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới) và ISLA (Sáng kiến về cảnh quan bền vững), để giúp những người trồng cà phê quy mô nhỏ đối phó với những thách thức trên. 

Các lớp tập huấn này cũng cung cấp chương trình đào tạo và giáo dục người trồng cà phê địa phương về việc tối ưu hóa nhiều loại cây trồng và sử dụng nguồn nước.

[Phần 1] Biến đổi khí hậu tác động đến cà phê ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh: Steve McCurry/Lavazza

Một trong những người tham gia lớp tập huấn nông dân là ông Đoàn Ngọc Đức, người đã trồng cà phê ở huyện Krong Buk, tỉnh Đắk Lắk trong hơn 20 năm. Ông cho rằng thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt là thời tiết khắc nghiệt.

"20 năm trước, chúng tôi bắt đầu trồng cà phê với hai bàn tay trắng. Chúng tôi đã đầu tư tiền của gia đình để mua một mảnh đất và trồng những cây cà phê đầu tiên. Chúng tôi chủ yếu học hỏi từ những sai lầm của chính mình và sau đó công sức cũng dần được đền đáp, mang lại thu nhập cho gia đình tôi", ông Đức nói.

Điều ông Đức lo ngại nhất là biến động thời tiết. Ông đã ghi lại những thay đổi của thời tiết trong 10 năm và chắc chắn thời tiết đang trở nên bất ổn và khó lường hơn.

Biến đổi thời tiết làm thay đổi mô hình về dịch bệnh và sâu bệnh, điều này gây khó khăn cho việc quản lí cây cà phê của ông. Thay đổi điều kiện thời tiết cũng gây ra vấn đề với việc cung cấp nước.

"Thủy lợi cũng cần phải quan tâm. Nhiệt độ cực đoan luôn khiến nông dân gặp khó khăn - không có sản lượng, không có thu nhập. Tôi đã học được rất nhiều khi nghiên cứu về các kỹ thuật trồng cà phê tại lớp tập huấn nông dân (FSS), lần đầu tiên tôi tham dự vào năm 2005. 

Trước khi tham gia FSS, tôi đã không biết rằng các loại phân bón khác nhau phải được sử dụng ở những giai đoạn cụ thể của chu kì hàng năm. Bây giờ tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc sử dụng các loại phân bón khác nhau trước khi tưới và trong quá trình ra hoa của cây cà phê", ông Đức cho hay.

[Phần 1] Biến đổi khí hậu tác động đến cà phê ra sao? - Ảnh 4.

Dự án FFS giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng hạt cà phê. Ảnh: Steve McCurry/Lavazza

Kể từ khi sử dụng các phương pháp canh tác đã học được tại FSS, ông Đức nói rằng ông đã có thể tăng năng suất và cải thiện chất lượng hạt cà phê của mình.

Dự án FSS đã hỗ trợ cho nhiều người trồng cà phê trong khu vực, gồm giúp kiểm tra đất để xác định loại phân bón tốt nhất cần sử dụng, thiết kế hệ thống tưới tiêu sáng tạo và trồng cây che bóng để bảo vệ cây cà phê khỏi tiếp xúc với nắng hoặc mưa bất chợt.

Ngọc Ánh