[Phần 2] Người được kẻ mất từ ô nhiễm khói bụi ở Hàn Quốc
Những doanh nghiệp hưởng lợi từ ô nhiễm khói bụi
Doanh số của máy lọc không khí tăng mạnh, nhờ đó LG Electronics và Samsung Electronics hưởng lợi kinh doanh. Thị trường máy lọc không khí được kì vọng bán được 3 triệu chiếc trong năm nay, tăng từ 2,5 triệu năm 2018 và 1,4 triệu năm 2017.
Các nhà phân tích thị trường tại Hàn Quốc hiện đang theo dõi những gì họ gọi là "các thiết bị y tế", gồm máy lọc, máy sấy và tủ hơi. Người tiêu dùng đang mua các thiết bị này thay vì phơi khô quần áo trong khói bụi.
"LG Electronics đang dẫn đầu thị trường máy sấy tại Hàn Quốc, vừa vượt qua mốc 1 triệu chiếc vào năm 2018", ông Kim Ji-san, nhà phân tích tại Kiwoom Securities, cho hay. "LG sẽ đạt dấu mốc 2 triệu chiếc trong năm nay, vượt qua cả doanh số máy giặt".
Khẩu trang, không có gì đáng ngạc nhiên, cũng đang bán rất chạy. Học sinh được khuyên đeo chúng trên đường đi học và về nhà.
Học sinh ở Hàn Quốc mang khẩu trang trên đường đi. (Ngườn: The Straits Times)
Các công ty đang nắm bắt cơ hội để đánh bóng danh tiếng của họ, bằng cách giảm bớt nỗi lo sợ của người tiêu dùng. LG tuyên bố sẽ tặng 10.000 máy lọc không khí cho các trường học.
Công ty viễn thông KT đã phát hành một ứng dụng miễn phí có tên Air Map Korea giúp người dùng nắm được thông tin về chất lượng không khí trong khu vực, bằng cách sử dụng 2.000 thiết bị giám sát được lắp đặt tại các bốt điện thoại và trạm gốc trên toàn Hàn Quốc.
Ngược lại, các công ty xây dựng bị buộc phải đình chỉ hoạt động để tuân thủ hạn chế của chính phủ nước này. Các chủ cửa hàng ẩm thực đường phố than phiền rằng doanh số của họ đang gảm do người dân vội vã trở về nhà sau giờ làm việc.
Ô nhiễm bụi trở thành một mối quan tâm chính trị lớn tại Hàn Quốc
Tỉ lệ tín nhiệm đối với Tổng thống Moon Jae-in giảm.
Đối với Tổng thống Moon Jae-in, không khí bẩn dường như đang làm ảnh hưởng đến tỉ lệ tín nhiệm của ông, vốn đã giảm từ mức cao nhất là 81% vào tháng 6/2017 xuống 44% trong tháng 3/2019, theo dữ liệu từ Gallup Korea.
Các đối thủ chính trị của ông Moon đang đặt câu hỏi lên việc ông phản đối năng lượng hạt nhân. Mặc dù ông Moon muốn chuyển đổi nguồn cung năng lượng quốc gia sang năng lượng tái tạo, những người hoài nghi lại cho rằng các nhà máy đốt than sẽ không lùi bước.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giảm gần một nửa, từ mức cao nhất của năm 2017. (Nguồn: Reuters).
Chính phủ Hàn Quốc đã bảo vệ chính sách của mình, khẳng định rằng họ đang lên kế hoạch giảm tỉ lệ năng lượng được sản xuất bằng than đến năm 2030. Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết sẽ cắt giảm tỉ lệ năng lượng sản xuất từ than từ 43,1% năm 2017 xuống 36,1% vào năm 2030, đồng thời tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 5,6% lên 20% trong cùng kì.
"Ô nhiễm bụi mịn dường như đã trở thành một mối quan tâm chính trị lớn tại Hàn Quốc", ông Kwon Young-sun, nhà kinh tế cao cấp tại Nomura, nói.
Vấn đề ô nhiễm ít nghiêm trọng hơn nhiều so với hội chứng suy hô hấp Trung Đông (MERS) từng tràn vào Hàn Quốc vào năm 2015. "Các biện pháp khẩn cấp của chính phủ Hàn Quốc và phản ứng của người dân chỉ nên bộc phát khi nồng độ PM rất cao".
Về trách nhiệm của Trung Quốc, không phải mọi người ở Hàn Quốc đều đổ lỗi cho quốc gia Nam Á này. Một số người đang kêu gọi giảm việc sản xuất điện bằng than cũng như các phương tiện gây ô nhiễm.
Ông Jang của Đại học Ajou là một trong số đó. Ông cho rằng Hàn Quốc nên hành động nhiều hơn để giảm lượng khí thải của nước mình trước khi đổ lỗi cho Trung Quốc.
"Giải pháp duy nhất là giảm mức độ ô nhiễm trong phạm vi Hàn Quốc", vị giáo sư viết trên blog của mình. "Nếu bạn sợ bụi mịn, chúng ta nên cắt giảm nồng độ của nó tại đất nước của chúng ta".
Giám đốc điều hành tại một startup công nghệ cũng đồng ý với ông Jang, rằng: "Trung Quốc có thể là một vấn đề. Nhưng ô nhiễm không khí là tập hợp của nhiều yếu tố, chứ không chỉ Trung Quốc".