|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Châu Á có thể mất nhiều thập kỉ để xây dựng một ngành chăn nuôi heo an toàn

20:17 | 23/05/2019
Chia sẻ
Theo một chuyên gia thuộc Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa, các nhà khoa học đã phát triển được loại vacxin tiềm năng cho bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), nhưng vẫn cần ít nhất 3 - 4 năm để đưa ra thị trường. Và cho tới lúc đó, lựa chọn duy nhất là giảm sự lan truyền của virus.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn virus ASF rất khó khăn vì tại châu Á, hoạt động nuôi neo chủ yếu diễn ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ. 

Cho heo ăn chất thải nhà bếp và đồ ăn thừa có thể chứa virus ASF là hành động thông thường nhưng có rủi ro rất cao, theo Juan Lubroth, bác sĩ thú y tại trụ sở chính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

Nghiên cứu về 68 trường hợp bùng phát dịch ở Trung Quốc chỉ ra 34% là do ăn thức ăn, 46% do xe cộ và người lao động bị nhiễm bẩn, và 19% do vận chuyển heo sống và sản phẩm từ heo.

Chính phủ Trung Quốc đã cấm sử dụng nước vo gạo chưa nấu kĩ và không cho phép dùng  nước vo gạo làm thức ăn cho heo tại tất cả tỉnh đang bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, việc thuyết phục người chăn nuôi ngừng hoạt động này và những thói quen rủi ro khác là một thách thức, ông Lubroth nói.

[Phần 2] Châu Á có thể mất nhiều thập kỉ để xây dựng một ngành chăn nuôi heo an toàn - Ảnh 1.

Một người chở heo tại Thanh Hóa. Ảnh: Reuters.

Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không hiệu quả

Để ngăn chặn dịch bệnh, Trung Quốc cũng tiêu hủy tất cả heo trong vòng bán kính 3 km quanh đàn heo bị nhiễm bệnh, thiết lập các trạm kiểm tra và khử trùng để kiểm soát giao thông trang trại trong vùng cách li 10 km, và đóng cửa chợ heo sống ở khu vực bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, dù các biện pháp này hiệu quả đến đâu trong việc bảo vệ hơn 400 triệu con heo của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. 

Số lượng ổ dịch mới bùng phát hàng tháng được báo cáo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), có trụ sở tại Paris, lên cao nhất vào tháng 10/2018 với 34 trường hợp, và giảm xuống chỉ còn 4 vào tháng 1/2019, nhưng đã tăng dần kể từ đó, ghi nhận 10 trường hợp trong tháng 4.

Nhiều nhà quan sát tin rằng các trường hợp khác không được báo cáo. 

"Với hiệu quả hạn chế của các công cụ kiểm soát, không thể tin được là chúng có thể ngăn chặn dịch bệnh này", theo ông Dirk Pfeiffer, nhà dịch tễ học thú y tại City University of Hong Kong. 

Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin các trường hợp heo chết đổ xuống sông và mương. Trong khi một số tỉnh có thể phớt lờ các vụ bùng phát vì chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm một phần trong việc bồi thường cho nông dân có heo bị tiêu hủy.

"Để được thuyết phục Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn dịch bệnh, chúng tôi cần phải xem dữ liệu giám sát chi tiết và báo cáo chi tiết về từng ổ dịch đã được giải quyết", ông Pfeiffer nói. 

Thách thức trong kiểm soát sự lây lan của virus ASF

Thay vì cố tình thông tin sai cho các tổ chức thú y quốc tế, ông Pfeiffer nghi ngờ cơ sở hạ tầng thú y của Trung Quốc chỉ đơn giản là bị quá tải.

Mặc dù vậy, ngay cả khi không thành công, các nước láng giềng cũng khó đạt được mức độ phản ứng như Trung Quốc, theo Science Mag

Báo cáo trong tuần kết thúc vào ngày 18/5 từ Reuters cho hay Chính phủ Việt Nam gần đây đã thừa nhận nhiều trong số 29 tỉnh bị nhiễm dịch đã không phản ứng phù hợp vì thiếu ngân sách và đất để chôn heo chết. 

Trong một tuyên bố ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Bộ trưởng cũng đề xuất huy động lực lượng vũ trang để giúp kiểm soát dịch bệnh. 

Tương tự, Campuchia có rất ít kiến thức và kinh nghiệm trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, theo ông Alexandre Huynh, đại diện của FAO ở Campuchia. Nguồn nhân lực, tài chính và vật chất cũng rất thiếu.

Cuối cùng, việc ngăn chặn virus ASF có thể sẽ đòi hỏi một sự tái cấu trúc lâu dài và đầy thách thức của ngành chăn nuôi heo để chỉ các nhà sản xuất đủ lớn để đầu tư vào an toàn sinh học, ông Pfeiffer nói. 

Theo ông Lubroth, việc tái cấu trúc như vậy đã giúp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xóa sổ dịch ASF sau khi dịch bệnh bùng phát vào đầu những năm 1960 nhưng quá trình này mất 35 năm. 

Quá trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn ở Trung Quốc, với nguồn lực và chính quyền mạnh, nhưng có thể mất nhiều thập kỉ để các nước láng giềng châu Á xây dựng một ngành chăn nuôi heo an toàn hơn.

Lyly Cao