[Phần 1] Quy hoạch Thủ Thiêm hình thành như thế nào?
Giá đất Thủ Thiêm biến động thế nào trong 20 năm qua | |
20 năm sau quy hoạch, người dân Thủ Thiêm sống trong cơ hàn, tăm tối |
Mới đây, tại một buổi talk với chủ đề: "Quy hoạch Thủ Thiêm - Thách thức và cơ hội", KTS. TS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ về các vấn đề liên quan đến quy hoạch khu đất phía Đông của TP HCM này từ lịch sử cho đến hiện tại.
Bài chia sẻ chỉ thuần túy đặt điểm nhìn từ góc độ của một nhà quy hoạch, tạm quên đi những yếu tố vướng mắc hiện tại (như thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong giải phóng mặt bằng…), nếu các ngành đều cùng hợp sức thì liệu Thủ Thiêm có thể đi xa đến đâu? |
KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ thuần túy dưới góc độ của một nhà quy hoạch. (Ảnh: Hiếu Quân) |
KTS đánh giá, sự phát triển của Thủ Thiêm khá tương đồng với nhiều dự án mà ông đã từng tham gia xây dựng quy hoạch như dự án Nam Sài Gòn; dự án khu phố Đông và phố Tây Thượng Hải (Trung Quốc); dự án khu vực Bắc Hà Nội…
Ông cho biết, từ cuối thế kỷ thứ XVIII, nhà Nguyễn đã cho xây dựng thành Quy ở tại vị trí trung tâm Sài Gòn hiện nay. Tuy nhiên, do lo ngại quyền lực tại phía Nam có thể lấn át triều đình Huế nên nhà Nguyễn quyết định phá thành Quy, xây thành Phụng với quy mô nhỏ hơn. Chính điều này đã làm suy yếu lực lượng phòng vệ ở phía Nam khiến sau đó Pháp dễ dàng tiến đánh và thành công... Lúc này vẫn chưa ai nghĩ đến chuyện phát triển Thủ Thiêm.
Thời phong kiến và khi đã chịu chế độ thuộc địa nửa phong kiến, vẫn chưa ai nghĩ đến chuyện phát triển Thủ Thiêm. |
Đến năm 1891, Pháp đã chiếm Sài Gòn và quy hoạch lại thành phố. Ban đầu, thành Phụng vẫn được giữ lại, các đại lộ cũng được xây dựng tương hỗ với thành này. Năm 1900, thành cũ bị phá, những công trình lớn dần được xây dựng như Dinh Thượng Thơ, Bưu điện… Thủ Thiêm khi đó chỉ là một làng mang tên An – Loi – Xa.
Sài Gòn những năm 1900, Thủ Thiêm chỉ là một làng mang tên An – Loi – Xa. |
Năm 1947, việc phát triển Thủ Thiêm vẫn chưa được đặt ra là vấn đề quan trọng bởi khi đó đất ở phía bên kia bờ sông Sài Gòn vẫn còn rộng, dân cư cũng còn thưa thớt…
Năm 1965, quy hoạch Thủ Thiêm lần đầu tiên được cụ thể bởi Công ty Doxiadis (một công ty nổi tiếng của Hy Lạp). Bản quy hoạch này dự kiến xây dựng 1.000 căn nhà tại Thủ Thiêm trên diện tích 800 ha đất xây dựng nhà ở; kết nối duy nhất với khu trung tâm là cây cầu bắc qua đường Hàm Nghi. Đất Thủ Thiêm được chia thành các lô cực lớn (mega block), hình thức di chuyển chủ yếu là đi bộ và xe đạp…
Tại quy hoạch năm 1965, Công ty Doxiadis chọn phương án chia đất Thủ Thiêm thành nhiều lô lớn để tiết kiệm chi phí đầu tư, nhưng lại san lấp toàn bộ hệ thống kênh rạch chằng chịt tự nhiên tại đây, phương án này bị đánh giá là quá tốn kém. |
KTS đánh giá: “Chuyện làm lô lớn phổ biến khi ta muốn tiết kiệm chi phí, chỉ làm các đường lớn thôi, dân xây dựng đến đâu làm đường đến đó. Quy hoạch này đáp ứng nhu cầu nhà ở lớn của thành phố khi mà người nhập cư ngày càng đông. Tuy nhiên lúc đó Thủ Thiêm có hệ thống kênh rạch chằng chịt tự nhiên, nhưng dự án này chọn giải pháp lấp toàn bộ kênh rạch tự nhiên, chỉ thoát nước theo dạng bàn cờ. Nếu chỉ để xây dựng nhà ở thôi thì phương án này quá tốn kém, nên dù được phê duyệt vào năm 1968 nhưng quy hoạch này cũng đã không thành công”.
Đến những năm 70 của thế kỷ trước, phía Tây bờ sông Sài Gòn đã phát triển nhà cửa đông đúc, nhưng phía bờ Đông vẫn thưa thớt. Năm 1972, KTS. Wurster, Bermadi & Emmons đưa ra kế hoạch mới nhằm phục vụ thời hậu chiến. Nguyên nhân là bởi bối cảnh đất nước lúc này đang trong thời kỳ chuẩn bị đàm phán Hiệp định Pari năm 1973, hòa bình đã ở trong tầm tay nên thành phố đã bàn đến việc phát triển Thủ Thiêm.
Lần đầu tiên Thủ Thiêm được quan niệm như một khu trung tâm tương lai của Sài Gòn. Trong đó, vùng lõi sẽ là khu chính phủ, quảng trường cây xanh sẽ được kết nối kéo dài đến quảng trường Mê Linh. Nhiều nội dung trong quy hoạch này đã được kế thừa trong những quy hoạch sau đó.
Trong bản quy hoạch năm 1972, lần đầu tiên Thủ Thiêm được quan niệm như một khu trung tâm tương lai của Sài Gòn. |
Bản quy hoạch xác định một vùng lõi trung tâm, có tuyến cao tốc bọc quanh, thuần tiện cho việc đi lại bằng xe hơi. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đã tạo phân cách ranh giới giữa vùng trung tâm và các khu xung quanh (vì đường cao tốc xe chạy tốc độ cao, ít ngã tư). Phía Đông sẽ có khu công nghiệp đối trọng với khu Tân Thuận. Cầu kết nối với phía bờ Tây vẫn được chọn đặt tại đoạn qua đường Hàm Nghi và thêm một kết nối khác qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (vì lúc đó đường Tôn Đức Thắng có nhiều cây xanh nên các nhà quy hoạch muốn giữ lại)… Với hai cây cầu kết nối nói trên đã tạo thành tam giác phát triển với phía Tây là khu trung tâm thành phố, phía Đông là trung tâm tài chính mới.
KTS nhận định, quy hoạch này mang phong cách Mỹ và khá tốt. Tuy nhiên, cuối cùng bản quy hoạch này cũng chỉ nằm trên giấy vì chiến tranh vẫn tiếp tục.
Như vậy, cho đến trước năm 1975, những khu vực như Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Quang Trung... vẫn chỉ là đồng ruộng, không có nhiều nhà cửa như bây giờ, vì vậy việc phát triển Thủ Thiêm vẫn chưa được chú ý. Mạn phía Tây thành phố vẫn còn nhiều đất, nền đất cao, sẵn hệ thống cơ sở hạ tầng, trong khi muốn đầu tư phát triển Thủ Thiêm trong chiến tranh lại vô cùng bất tiện: đất thấp, phải đắp cao nền, phải xử lý hạ tầng, xây cầu qua sông Sài Gòn rất tốn kém; chưa kể nếu đặt một cơ quan trọng yếu tại Thủ Thiêm còn rất dễ bị ném bom giữa thời chiến loạn…
TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, hiện là Chủ tịch Công ty Tư vấn và Thiết kế Ngô Viết, có hơn 30 năm kinh nghiệm quy hoạch và kiến trúc tại cả trong nước và quốc tế. Ông từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án quy mô lớn ở Việt Nam như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội…. Tại nhiều nước khác, ông cũng góp mặt trong các dự án: quy hoạch đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), thành phố Kyoto Thế kỷ XXI (Nhật Bản), dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)… |
(Còn tiếp...)