[Phần 1] Khám phá ngành nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng của Nga: Lợi thế địa lý
Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này trong ba năm qua cho thấy con số dự kiến có thể vượt qua được nếu đáp ứng một số vấn đề nền tảng và sử dụng kinh nghiệm quốc tế.
Về mặt địa lý, Nga có tiềm năng to lớn cho việc nuôi cá. Đất nước sở hữu 20 triệu ha hồ, 5 triệu ha hồ chứa nước, 400.000 ha vùng nuôi trên biển, hơn 1 triệu ha mặt nước dùng cho nông nghiệp và 150.000 ha ao nuôi cá.
Mặc dù có tất cả nguồn lực này, nuôi trồng thuỷ sản ở Nga - hoạt động trên nền kinh tế dầu khí và bị chi phối bởi khí hậu - đã bị bỏ quên trong lịch sử. Bởi vùng biển của Nga mang lại rất nhiều cá, đất nước này không được khuyến khích tham gia vào một lĩnh vực có nền tảng tri thức và tốn nhiều tài nguyên như nuôi trồng thủy sản.
Trong năm 2017, ngành sản xuất chỉ đạt năng suất 219 nghìn tấn hải sản, bao gồm 186,5 nghìn tấn cá và 33,1 nghìn tấn cá giống, theo số liệu của Cơ quan Liên bang về Thủy sản của Nga. Sản lượng này rất nhỏ khi so sánh với vụ thu hoạch của Nga trong tự nhiên với 4.900 nghìn tấn vào năm 2017.
Điều thú vị là con số sản xuất mới nhất của ngành nuôi trồng thủy sản của Nga trong năm 2017 (219 nghìn tấn) là cao nhất kể từ năm 1991. Trước đó năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước chỉ là 159,8 nghìn tấn.
Nhưng chỉ nhìn vào thực trạng hiện tại sẽ gây hiểu lầm khi đánh giá sự phát triển của ngành. Trên thực tế, mọi thứ đã thay đổi đáng kể cả về khối lượng sản xuất và thái độ của nhà chức trách cùng nhà đầu tư kể từ năm 2014, khi Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với một số sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), Canada, Australia, Nauy.
Trong năm 2014, một luật liên bang về nuôi trồng thủy sản đã được ký kết, đặt nền tảng pháp lý cho ngành công nghiệp tăng tốc. Cơ quan Liên bang về Thủy sản bắt đầu tích cực chuẩn bị các trang trại để nuôi cá và bán chúng thông qua đấu giá. Theo Vasily Sokolov - Phó giám đốc cơ quan, số lượng các địa điểm sẵn sàng sử dụng cho nuôi trồng thủy sản đã tăng hơn hai lần từ 1.900 đến 4.500 địa điểm kể từ năm 2015.
"Chúng tôi cũng thấy rằng số lượng công ty tham gia vào nuôi trồng thủy sản gia tăng trong 4 năm qua", Sokolov cho biết trong một cuộc họp báo.
Chính phủ Nga đã phân bổ kinh phí để giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng các khoản vay để mua thiết bị, thức ăn, hoặc đầu tư hiện đại xây dựng năng lực sản xuất. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho vay của các công ty nuôi trồng thủy sản là khoảng 400 triệu RUB (6,1 triệu USD hay 5,3 triệu EUR) một năm.
Về mặt địa lý, hơn 63,5% hải sản nuôi trong nước được sản xuất ở miền Nam nước Nga, với bán đảo Crimean, Krasnodarsky Krai, Rostov và Astrakhan tập trung chủ yếu vào cá tầm, cá bơn và cá chép. Crimea cũng chuyên nuôi trai và hàu.
Tây Bắc Nga đứng thứ hai về khối lượng. Murmansk, Leningrad và Cộng hòa Karelia sản xuất chủ yếu cá hồi và cá hồi chấm hồng. Trong khi đó, vùng Viễn Đông của Nga tập trung vào sò điệp, hàu, dưa chuột biển, cua, trai và saury.
Sản xuất đã tăng lên trong những năm gần đây đạt 159 nghìn tấn trong năm 2014; 153,2 nghìn tấn vào năm 2015; và 174 nghìn tấn trong năm 2016. Đến năm 2030, Nga dự kiến sẽ sản xuất 700 nghìn tấn hải sản nuôi một năm, theo người đứng đầu Cơ quan Liên bang về Thủy sản Ilya Shestakov.
Đón đọc [Phần 2] Khám phá ngành nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng của Nga: Những 'tay to' trong ngành