|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phạm Lê Nguyên, CEO 5Desire: Trái tim luôn 'hát' với start-up

11:49 | 17/02/2018
Chia sẻ
Gần chục năm nay, nhiều người thường biết đến Phạm Lê Nguyên (thường gọi Lê Nguyên) với vai trò là người xây dựng Kênh 14, 5Desire và nhà đầu tư “ươm mầm” cho nhiều start-up. Nhưng từ năm 2018, “nàng” CEO của 5Desire sẽ có thêm vai trò mới, là người “tiếp lửa” cho các doanh nghiệp bằng nền tảng www.unkapt.capital, với những khoản đầu tư triệu USD.

Một ngày nắng hiếm hoi giữa trời đông Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc “hẹn hò” với Lê Nguyên, lúc ấy đang bận rộn chuẩn bị tư trang bay sang Ấn Độ, để tham dự một hội nghị khởi nghiệp quốc tế. Thời gian không nhiều, nhưng cũng đủ để Lê Nguyên chia sẻ về hành trình “tiếp lửa” cho các start-up.

Nền tảng mới

Chào chị Lê Nguyên, chị đã gầy dựng 5Desire như thế nào?

Lúc mới bắt đầu, 5Desire đóng vai trò là cầu nối giữa các start-up và nhà đầu tư. Đối với từng start-up, chúng tôi phải phân tích xem họ phù hợp với nhà đầu tư nào, có thể là một công ty lớn trong ngành như VCCorp hay Vatgia, một quỹ đầu tư giống IDG hay Cyber Agent Ventures, hoặc một nhà đầu tư cá nhân. Hiểu rõ nhu cầu và đặc điểm của cả start-up và nhà đầu tư, 5Desire giúp họ làm việc với nhau và đẩy nhanh quá trình ra quyết định để thương vụ thành công. 5Desire cũng góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Các sự kiện chúng tôi tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng khởi nghiệp.

pham le nguyen ceo 5desire trai tim luon hat voi start up
Doanh nhân Phạm Lê Nguyên, CEO 5Desire.

Từ năm 2013, 5Desire bắt đầu làm việc với các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước để trực tiếp đầu tư vào start-up. Cùng xây dựng và đầu tư 5Desire có 3 nhà đầu tư cá nhân tên tuổi tại Silicon Valley.

Từ năm 2017, 5Desire chính thức là đại diện cho nền tảng gọi vốn vay toàn cầu Unkapt.capital tại Việt Nam và phát triển nền tảng tại một số thị trường các nước đang phát triển khác.

Chị có thể nói rõ hơn về nền tảng mới này?

Nếu như trước đây, 5Desire tập trung vào start-up ở giai đoạn khởi tạo với các thương vụ tối đa là 200.000 USD, thì với Unkapt, khoản đầu tư nhỏ nhất là 1 triệu USD. Unkapt là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp với nhu cầu vốn vay từ 1 triệu đến 25 triệu USD hoặc lớn hơn.

Quy mô vốn và thoả thuận thay đổi, nên đối tượng cũng phải tương thích. Với nền tảng này, đối tượng chúng tôi hướng đến là các doanh nghiệp có ít nhất 3 năm hoạt động, đã có dòng doanh thu và chứng minh được về mô hình kinh doanh. Họ có thể đang cần thêm vốn để hoạt động, cần thêm vốn để mở rộng sản xuất hay đầu tư, mua bán - sáp nhập. Về ngành nghề, cũng không chỉ giới hạn các doanh nghiệp công nghệ, mà mở rộng tất cả lĩnh vực. Họ có thể là doanh nghiệp công nghệ, sản xuất, năng lượng, môi trường, vật liệu mới.

Đối với doanh nghiệp, nền tảng này giúp họ tiếp cận nguồn vốn lớn một cách minh bạch và hiệu quả, trong khi không phải mất cổ phần, quyền điều hành và sở hữu doanh nghiệp. Nguồn vốn thường là trung và dài hạn, giúp doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư, nền tảng này giúp họ phân bổ danh mục đầu tư, đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt và hưởng lãi suất tốt từ những nước đang phát triển so với việc để tiền trong ngân hàng ở những nước phát triển. Chúng tôi cũng làm việc với nhiều quỹ đầu tư xã hội, mà mục tiêu chính của họ là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chứ không hẳn là lãi suất.

Nền tảng sẽ được triển khai đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm, tiềm năng nhất.

Vì sao Việt Nam lại là thị trường trọng điểm và tiềm năng nhất của Unkapt?

Unkapt đã làm việc với một vài đối tác là ngân hàng và các công ty chứng khoán. Hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp cần vốn, nhưng không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Có thể họ thiếu tài sản đảm bảo hoặc đã vay đến giới hạn của ngân hàng, nên không vay tiếp được nữa, trong khi có dự án rất tốt, cần có tiền để phát triển nó.

Có những doanh nghiệp mà tôi trực tiếp làm việc cùng đã có hợp đồng đầu ra cho sản phẩm, nhưng lại thiếu vốn sản xuất - kinh doanh. Họ cần một nền tảng như Unkapt để tìm được nhà đầu tư phù hợp. Điều đó thúc đẩy tôi phát triển Unkapt tại Việt Nam, tạo một kênh vay mới cho doanh nghiệp, với điều kiện dễ dàng hơn, có thể vay số tiền lớn và nguồn tiền minh bạch, để từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định đầu tư, an tâm hơn với kế hoạch tài chính của họ.

Bắt tay phát triển một nền tảng mới, một thị trường mới, hợp tác với một đối tác hoàn toàn khác, chị và 5Desire có gặp nhiều trở ngại?

Thị trường của Unkapt là một thị trường mới hoàn toàn với 5Desire. Nhưng chúng tôi luôn muốn làm những thứ mới, đối diện với thử thách mới, để phát triển thị trường mới. Với tôi, nếu mình không thay đổi thì không bao giờ phát triển được.

Việc phát triển Unkapt bây giờ cũng không khác gì việc phát triển 5Desire hơn 5 năm trước đây. Chúng tôi phải làm lại từ đầu, từ việc xây dựng sản phẩm, xác định đối tượng mục tiêu, xây dựng thương hiệu và cộng đồng trong đối tượng mục tiêu đó. Những gì thừa hưởng được từ 5Desire có lẽ là cách làm. Chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu của 5Desire trong cộng đồng khởi nghiệp và giờ đây cần xây dựng thương hiệu Unkapt trong cộng đồng các doanh nghiệp mà Unkapt hướng tới, bắt đầu lại từ con số 0.

Đó cũng là cơ hội của 5Desire. Từ khi tham gia thị trường mới này, tôi có cơ hội làm việc với nhiều doanh nghiệp ở quy mô lớn hơn, ngành nghề đa dạng hơn, khiến 5Desire cũng trưởng thành hơn cùng họ.

Trái tim luôn “hát” với start-up

Năm vừa qua, dành nhiều thời làm việc với doanh nghiệp lớn và nền tảng mới, vậy chị còn thời gian dành cho start-up không?

Năm 2017, 5Desire tập trung nguồn lực để phát triển Unkapt và đó cũng sẽ là việc chính cần làm trong 2 năm tới. Cùng lúc đó, 5Desire vẫn nhận được rất nhiều lời mời hợp tác từ các tổ chức quốc tế đối với thị trường start-up. Trong tháng 1/2018, 5Desire có đại diện đi Ấn Độ theo lời mời của Chính phủ Ấn Độ, tham gia Hội nghị khởi nghiệp Ấn Độ và ASEAN. Chúng tôi đang cùng nhau phát triển các chương trình cho các start-up toàn cầu, giúp họ cơ hội phát triển tại thị trường Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt hướng ra thị trường toàn cầu.

Đâu là những start-up có những “deal” ấn tượng mà chị từng tham gia?

Sau khi thành lập, trong năm 2012 và 2013, 5Desire đã tư vấn cho 5 doanh nghiệp gọi vốn thành công, bao gồm MySquar ở Myanmar, doanh nghiệp toàn cầu Kleii, doanh nghiệp phát triển game toàn cầu PTT, sản phẩm eat.vn, và một công ty game trong nước Dream City.

Trong đó, MySquar là doanh nghiệp đi đầu làn sóng khởi nghiệp tại Myanmar; Eat.vn hoàn thành đầu tư từ Công ty cổ phần VCCorp chỉ trong vòng 2 tháng; Kleii gọi vốn quốc tế từ Kazakhstan. 5Desire cũng hỗ trợ 2 doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc trở thành đối tác chính thức của Google.

Ngoài một số “deal” 5Desire tư vấn kết nối thành công như trên, 5Desire còn đầu tư trực tiếp vào 4 doanh nghiệp, đó là Chọn Giá Đúng, Otos, Lixibox, Ahometo. Trong đó, đã có doanh nghiệp đang được định giá 10 triệu USD.

Với sự xuất hiện và tác động Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đâu là cơ hội cho các start-up?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, ở cả cấp độ doanh nghiệp và chính phủ. Việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ tạo ra bước đột phá trong quản lý, vận hành, phân tích, ra quyết định… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nếu họ hiểu và ứng dụng được các công nghệ mới, giúp tối ưu hoá được bộ máy, giảm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho các start-up, bởi khi phát triển và ứng dụng công nghệ, họ hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh so với những “ông lớn” trên thị trường.

Một cách nhìn khác, việc ứng dụng công nghệ để phát triển và tạo lợi thế cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Chính nhu cầu này tạo ra một thị trường lớn cho start-up, nếu họ tạo được những sản phẩm giá trị giúp các doanh nghiệp ứng dụng được công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

Thu Phương